Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, tổng kinh phí Chính phủ trợ cấp cho người thu nhập thấp, các đối tượng nghèo lên đến 3.100 tỷ đồng.
Sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2011 kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, công bố nội dung phiên họp và những chính sách quản lý, điều hành mới của Chính phủ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 tăng 6,12%. Tính bình quân, chỉ số giá quý I tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2010. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 là mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 năm qua. Việc tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác.

Công bố tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại phiên họp Chính phủ vừa kết thúc, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, nhất là các hộ nghèo, đối tượng chính sách, Chính phủ đã bàn thảo và thống nhất thực hiện kế hoạch tăng lương cơ bản theo lộ trình vào tháng 5/2011.

Đặc biệt, Chính phủ quyết định trợ cấp cho các đối tượng có mức thu nhập thấp (mức lương dưới 3,0); hỗ trợ cho các đối tượng nghèo tiền điện 300.000 đ/tháng và trợ cấp 1 lần với mức 250.000 đồng. Tổng kinh phí dành cho các khoản chi này lên đến 3.100 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân ổn định đời sống, đối phó với giá cả tăng cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp này, Chính phủ đã thống nhất hạn chế mạnh mẽ hơn nữa việc nhập siêu, nhất là đối với các mặt hàng xa xỉ như điện thoại di động đắt tiền, ôtô hạng sang…Chính phủ cũng chuẩn bị cho việc ban hành một số văn bản quản lý chặt các giao dịch vàng, đô la theo hướng đảm bảo ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất như xăng, dầu…

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm mạnh mẽ trong toàn dân, các thành phần kinh tế để góp phần làm giảm áp lực chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Trả lời báo giới về tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 29/3 đến công tác kiềm chế lạm phát, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho biết căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, liên Bộ Tài chính-Công thương đã chấp thuận tăng giá xăng dầu vừa qua.

Ông Thỏa cho rằng đây là việc điều chỉnh bất khả kháng vì từ đợt tăng 14/2, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Việc tăng giá xăng lần này là sự chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.

Ông Thỏa cho biết, mức điều chỉnh giá xăng lần này đã làm tăng khoảng 0,4% đối với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá mặt hàng này của các nước xung quanh.

Liên quan đến công tác quản lý giao dịch ngoại tệ, vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết sau khi các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ các biện pháp siết chặt việc giao dịch ngoại tệ, không chấp nhận việc giao dịch vàng miếng, tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định cán cân thanh toán.

Thống đốc cho biết Nhà nước công nhận quyền sở hữu vàng miếng của người dân, nhưng chắc chắn không thể để xảy ra tình trạng vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán, thành công cụ đầu cơ trên thị trường. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành văn bản quy định cụ thể vấn đề này./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục