Hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé sẽ kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu.
Hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé ảnh 1Tàu cá neo đâu trên sông Cái Bé-Cái Lớn, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1.

Mục tiêu đầu tư nhằm kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn-Cái Bé, đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.

[Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước trong mùa khô 2017]

 

Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định.

Cụm công trình giai đoạn 1 gồm các hạng mục Cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61; kênh nối sông Cái Lớn-Cái Bé; sửa chữa cống âu Tắc Thủ.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.309,5 tỷ đồng. Nguồn vốn từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 và vốn Ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản dự án.

Dự án thực hiện tại tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau với thời gian thực hiện 5 năm (2017-2021), trong đó, năm 2017 hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế, giải phóng mặt bằng; các năm tiếp theo khởi công xây dựng và thực hiện đầu tư theo tiến độ dự án được duyệt.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý giai đoạn sau cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án, trong đó có đánh giá làm rõ mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án, các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tình trạng này sau khi có dự án; Nghiên cứu tác động của công trình đến vùng hưởng lợi, từ đó tổ chức lại sản xuất của vùng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nguồn nước.

Xây dựng định hướng quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản... để sử dụng hiệu quả hệ thống công trình sau khi hoàn thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục