Hơn 33.000 hộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng các tỉnh ở ĐBSCL đã cho các hộ nghèo vay 3.520 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, giúp 33.480 hộ thoát nghèo.
Hơn 33.000 hộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ đầu năm đến nay, ngân hàng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cho các hộ nghèo trong khu vực vay 3.520 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh.

Đến nay có 33.480 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 7,2% (năm 2013) hiện còn 6%.

Dẫn đầu trong công tác giảm nghèo là các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh phấn đấu giúp trên 11.000 hộ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết đạt được kết quả nêu trên là nhờ các tỉnh mở rộng quy mô dạy nghề cho người nghèo theo nhiều cách như dạy nghề cho lao động trẻ mới gia nhập lực lượng lao động tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề, dạy nghề lưu động, dạy nghề tại chỗ (trên đồng ruộng, trang trại, vườn), dạy nghề theo hình thức kèm cặp.

Bên cạnh đó, các tỉnh tăng tỷ lệ vốn đầu tư cho dạy nghề từ 10 lên 12% trong ngân sách; đổi mới chương trình dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, gắn dạy nghề với các chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, khuyến nông-khuyến ngư, phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, phát triển sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo việc làm cho trên 300.000 lao động trong 9 tháng qua.

Ngoài ra, các cấp hội nông dân phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng cho trên 100.000 nông dân, đồng thời vận động các hộ nông dân khá, giàu giúp các hộ nghèo trên 100 tấn lúa giống, 500.000 cây giống, 900.000 con giống; vận động bà con tham gia trên 3.000 tổ hợp tác sản xuất lúa, rau màu, nuôi tôm cá.

Ở Cần Thơ, ngoài việc cấp sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế cho 11.962 hộ nghèo, địa phương còn kéo điện miễn phí cho hàng trăm hộ, đồng thời xây nhà tình thương cho 4.838 hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương chỉ còn 2,9%, thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh An Giang đã mua hơn 2.300ha đất cấp cho hộ nông dân Khmer không có đất. Tỉnh Trà Vinh giúp vốn cho bà con nghèo chuộc trên 200ha đất đã cầm cố; vận động 470 hộ có nhiều đất cho hàng trăm hộ đồng bào Khmer mượn 166ha đất để sản xuất.

Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra nhiều biện pháp giảm nghèo như đào tạo cán bộ chuyên môn; huy động vốn từ nhiều nguồn nhằm tăng mức cho các hộ nghèo vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với lao động nghèo; giải quyết việc làm cho số lao động chưa và thiếu việc làm cả ở nông thôn và thành thị, trước hết là nông dân không đất.

Đối với những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, sẽ tăng tốc độ xây dựng thủy lợi, giao thông cùng với thúc đẩy một số chính sách xã hội nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác giảm nghèo tại địa phương, phấn đấu đến năm 2020 giúp 216.000 hộ nghèo còn lại trong vùng thoát nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục