Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải chủ trương đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đường sắt cũ, cải tạo bình diện có đường cong bán kính nhỏ đường sắt thuộc khu đoạn Hà Nội-Vinh và Sài Gòn-Nha Trang với tổng mức đầu tư lên tới hơn 3.600 tỷ đồng (gần 170 triệu USD).
Theo đánh giá từ phía VNR, thực tế, khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của đường sắt đang chiếm tỷ lệ nhỏ so với các hình thức vận chuyển khác. Đặc biệt, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam còn tồn tại nhiều đoạn có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đường sắt bị xuống cấp, kết cấu tầng trên đường sắt cũ kỹ, lạc hậu, nền đường nhiều đoạn bị sạt lở do lâu năm chưa được nâng cấp cải tạo ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu trong đó có khu đoạn Hà Nội-Vinh, Sài Gòn-Nha Trang.
Nhằm nâng cao năng lực cũng như cải thiện tốc độ chạy tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, ngành đường sắt đã triển khai nhiều dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại. Tuy nhiên về cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ có dự án thay tà vẹt bêtông, kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 đối với các ga chỉ có 2 đường đoạn Vinh-Nha Trang.
“Để phát huy hiệu quả của toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam, việc cải tạo nâng cấp khu đoạn Hà Nội-Vinh, Sài Gòn-Nha Trang là hết sức cần thiết,” ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR cho hay.
Theo đó, hệ thống đường sắt thuộc khu đoạn Hà Nội-Vinh sẽ được nâng cấp đường cũ, giữ nguyên bình diện; cải tạo nền đường thay kiến trúc tầng trên ray, ghi, tà vẹt; kéo dài đường ga… với tổng mức đầu tư 2.534 tỷ đồng (117,89 triệu USD), khối lượng dự kiến dài 288,5km.
Ngoài ra, khu đoạn Hà Nội-Vinh cũng cải tạo các đoạn bình diện có đường cong có bán kính nhỏ, là những đoạn đường xung yếu có địa hình khó khăn tốc độ chạy tàu thấp, thường xuyên đe dọa an toàn chạy tàu với 33 vị trí/40 đường cong, chiều dài cải tạo 14,5km với số tiến 641 tỷ đồng (29,84 triệu USD).
Đối với khu đoạn đường sắt Nha Trang-Sài Gòn, VNR chỉ cải tạo bình diện, nâng bán kính đường cong kết hợp xử lý đồng bộ trắc dọc, nền đường và kiến trúc tầng trên cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan. Khối lượng dự kiến 11 vị trí/33 đường cong, chiều dài cải tạo 10,2km với nguồn vốn là 449 tỷ đồng (20,92 triệu USD).
Theo ông Đới Sỹ Hưng, nguồn vốn để thực hiện nâng cấp, cải tạo bán kính đường cong của ngành đường sắt sẽ được thực hiện theo nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và căn cứ vào nguồn vốn bố trí để triển khai (dự kiến thực hiện trong năm 2016-2020).
“Khi dự án được triển khai sẽ tăng cường khối lượng vận chuyển, lưu thông hàng hoá và hành khách giữa các vùng miền, giảm chi phí vận tải đồng thời khắc phục được tình trạng vận chuyển quá khổ, quá tải, giảm áp lực cho vận chuyển bằng đường bộ và phát triển du lịch, dịch vụ trên phạm vi cả nước,” ông Đới Sỹ Hưng đánh giá.
Sau khi được phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện và kế hoạch vốn được bố trí, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành như chọn chủ đầu tư, quản lý xây dựng, công tác thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công./.
Theo quyết định số 214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chiến lược phát triển Đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050: vận tải đường sắt chiếm l-2% thị phần vận tải hành khách và l-3% thị phần vận tải hàng hóa vào năm 2020.
Giai đoạn từ năm 2020-2030 đáp ứng khoảng 3-4% thị phần vận tải hành khách và 4-5% thị phần vận tải hàng hóa. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đáp ứng tối thiểu 5%-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa.