Hơn 480 triệu USD đầu tư vào các KCN ở TP.HCM

Tổng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp-khu chế xuất ở TP.HCM trong 9 tháng qua đạt trên 480 triệu USD, tăng 50% so cùng kỳ năm ngoái.
Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, trong 9 tháng qua, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt trên 480 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong số đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 341 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2012.

Ngoài ra, còn có một số dự án nước ngoài mở rộng đầu tư với quy mô lớn như Nidec Tosok (tăng 95 triệu USD), Sài Gòn Precision (tăng 129 triệu USD), cấp phép mới cho dự án khu kỹ nghệ Việt-Nhật với vốn đầu tư 31 triệu USD.

Trong số các doanh nghiệp trên, Nhật Bản đang dẫn đầu về vốn đầu tư với 31,95 triệu USD, tiếp đến là Singapore 16,75 triệu USD, Australia 9,8 triệu USD, Đài Loan 3,5 triệu USD...

Trong khi đó, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 139 triệu USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2012.

Các ngành đứng đầu về vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước như thực phẩm 37 triệu USD, cơ khí 21,5 triệu USD, điện tử 10,164 triệu USD, phần mềm 8,4 triệu USD…

Tính đến hết tháng 9/2013, tại các  khu công nghiệp-khu chế xuất trên địa bàn thành phố có 1.263 dự án đầu tư còn hiệu lực với số vốn 7,49 tỷ USD, trong đó dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 502 dự án với 4,526 tỷ USD.

Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp-khu chế xuất Tp. Hồ Chí Minh đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,5 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm là do nhiều doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, không có đơn hàng, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao nên tạm ngưng, giãn tiến độ sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, ngưng nhập khẩu nguyên vật liệu.

Cũng theo Hepza, hiện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung về các  khu công nghiệp-khu chế xuất.

Cụ thể đưa khu công nghiệp Phú Hữu ra khỏi danh mục quy hoạch, bổ sung chức năng cho khu công nghiệp Phong Phú để hình thành khu phức hợp công nghệ cao, chuyển đổi 4 cụm công nghiệp thành 4 khu công nghiệp có tổng diện tích 349ha gồm cụm công nghiệp Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, cụm công nghiệp Đa Phước, cụm công nghiệp Bàu Trăn và cụm công nghiệp Phạm Văn Cội.

Những tháng còn lại của năm, Hepza tiếp tục rà soát quỹ đất sẵn sàng thu hút đầu tư, giải quyết, hỗ trợ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp thông qua đối thoại cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động.

Hepza cũng sẽ tăng cường công tác báo vệ môi trường tại các khu công nghiệp-khu chế xuất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung xây dựng khu kỹ nghệ Việt -Nhật tại khu công nghiệp Hiệp Phước để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực công nghệ cao./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục