Hơn 54.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm

Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là 54.131 lao động (19.792 lao động nữ), trong đó Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất
Hơn 54.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm ảnh 1(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là 54.131 lao động (19.792 lao động nữ), đạt 54.13% kế hoạch năm 2016 và bằng 96,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 29.292 lao động (10.210 lao động nữ) chiếm tới 54,11%, tiếp theo là Nhật Bản với 15.662 lao động, Hàn Quốc: 4.040 lao động, Malaysia 1.624 lao động, Saudi Arabia 1.749 lao động, Macau 161 lao động và các thị trường khác.

Trong sáu tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu lao động đã có những tín hiệu tích cực về việc mở ra cơ hội việc làm ở các thị trường mới như Thái Lan, Australia và việc xem xét ký lại thoả thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.

Chính phủ Australia thông báo trong năm 2016 sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân Việt Nam lưu trú để du lịch nhưng được tìm việc làm hợp pháp. Lao động Việt Nam có cơ hội du lịch kết hợp làm việc với mức lương cao tại Australia trong thời gian tối đa 12 tháng.

Tại thị trường Thái Lan, hai nước đang phối hợp với nhau để tuyển dụng lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc trong 2 lĩnh vực xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Vì đây là chương trình thí điểm nên số đơn vị đầu mối được phép tiến hành tuyển dụng và triển khai đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan mới hạn chế. Trước mắt, Thái Lan cho phép 10 đơn vị đầu mối Việt Nam được đưa lao động sang thị trường này.

Đặc biệt, Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau 3 năm hạn chế tiếp nhận lao động Việt do tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp cao. Việc ký kết Bản Ghi nhớ mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn quốc tự nguyện hồi hương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục