Hơn 62% lao động nữ địa phương muốn được đào tạo trong 3 nhóm nghề

Mặc dù phần lớn lao động nữ địa phương bày tỏ mong muốn tìm kiếm việc làm tốt hơn nhưng đa số họ lại thấy tự ti vì thiếu kiến thức, thông tin về việc làm và nghĩ rằng mình không đủ khả năng xin việc.
Hơn 62% lao động nữ địa phương muốn được đào tạo trong 3 nhóm nghề ảnh 1Các chuyên gia đề xuất xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố, phần lớn lao động nữ địa phương bày tỏ mong muốn thay đổi công việc và tìm việc làm tốt hơn (chiếm 62.8%). Tuy nhiên, đa số họ lại thấy thiếu kiến thức, thông tin về việc làm. Họ cũng nghĩ rằng mình không đủ khả năng xin việc vào các doanh nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu đào tạo của lao động nữ địa phương rất lớn.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

Nhu cầu đào tạo nghề của lao động nữ cao

Khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình và Quảng Ninh. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 62,4% ​lao động nữ có nhu cầu được đào tạo nghề.

Tiến sỹ Dương Kim Anh, Trưởng Khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam), trưởng nhóm khảo sát cho biết: “Lao động nữ địa phương có nhu cầu đào tạo cao hơn lao động nữ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của lao động trong doanh nghiệp là để nâng cao trình độ chuyên môn đã được đào tạo trong khi đó lao động nữ địa phương có nhu cầu chủ yếu vì trước đây chưa được đào tạo.”

Lao động nữ địa phương có mong muốn học nhóm nghề sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, nghề kinh doanh và nghề mỹ thuật ứng dụng (bao gồm cả nghề thủ công).

Trong khi đó, lao động nữ trong doanh nghiệp có xu hướng muốn học nghề máy tính và công nghệ thông tin và nghề kinh doanh. Đây đều là những ngành nghề hấp dẫn, nhiều người lựa chọn để đáp ứng thị trường lao động nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Đa số lao động nữ có mong muốn về thời gian học đối với những nghề có nhu cầu đào tạo từ 1-3 tháng hoặc từ 3-6 tháng. Nhóm này chiếm phần đông bởi những phụ nữ này đã có gia đình. Với nhóm ​khác có nhu cầu đào tạo dài hơn từ một năm trở lên, đa số họ ở lứa tuổi trẻ từ 21-25 tuổi và đa phần chưa kết hôn.

Về hình thức đào tạo, lao động nữ địa phương muốn học ngay tại nơi mình sinh sống để thuận tiện cho công việc và cuộc sống, trong khi lao động nữ trong doanh nghiệp muốn được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm.

Hơn 62% lao động nữ địa phương muốn được đào tạo trong 3 nhóm nghề ảnh 2Lao động nữ trong doanh nghiệp muốn được đào tạo thêm về công nghệ thông tin và kinh doanh. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Đổi mới dạy nghề cho lao động nữ

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, với yêu cầu ngày càng cao hơn trong các doanh nghiệp, lao động nữ chất lượng cao còn cần phải có trình độ học vấn cấp III và thậm chí là tốt nghiệp đại học, có tác phong làm việc công nghiệp và các kỹ năng mềm.

Từ thực tế trên, các chuyên gia đề xuất cần thiết lập các mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Trong nội dung chương trình đào tạo nghề cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo nhiều hơn cơ hội thực hành nghề và tham quan thực tế nhiều hơn.

Các trường nghề cần đưa nội dung bồi dưỡng hai nhóm kỹ năng bổ trợ cho công việc và kỹ năng sống vào chương trình đào tạo. Với kỹ năng bổ trợ cho công việc tập trung đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý, điều hành. Còn kỹ năng sống tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng nuôi dạy con theo độ tuổi.

Đối với lao động nữ địa phương, cần có chiến lược đào tạo theo ngành nghề, phù hợp với địa phương như nhóm nghề may mặc, nhóm nghề nông lâm ngư nghiệp và nhóm nghề chế biến lương thực thực phẩm. Thời gian, hình thức, địa điểm đào tạo linh hoạt, phù hợp với người học và với từng nghề cụ thể.

Tiến sỹ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, lao động nữ chất lượng cao ngoài kiến thức và kỹ năng có được còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công viêc và khả năng lao động sản xuất của mình.”

Tại hội thảo, ông Chang Jae Yun, Giám đốc KOICA tại Việt Nam đánh giá cao kết quả của nghiên cứu và hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ là dữ liệu nền tảng cho những hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Dự án “Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020” do KOICA tài trợ và Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) thực hiện.

Các hoạt động chính của dự án gồm: Điều tra khảo sát và phân tích thực trạng nhân lực nữ chất lượng cao ở Miền Bắc Việt Nam; phân tích và đề xuất chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; xây dựng “Kế hoạch đào tạo nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020” để triển khai trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục