Hơn 85% dân số nông thôn Hà Nội dùng nước sạch

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã có hơn 85% dân số khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay, hơn 85% dân số khu vực ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó, trên 33% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đến hết năm 2012, thành phố đã đầu tư xây dựng 115 công trình cấp nước tập trung, gần 800 nghìn giếng khoan, giếng đào, bể nước mưa hợp vệ sinh. Nhờ vậy, gần 90% số trường học trên địa bàn đã có nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ này ở các trạm y tế là 94%, các chợ đạt trên 93%.

Về vệ sinh môi trường nông thôn, đã có gần 76% số hộ dân có công trình xử lý chất thải hợp vệ sinh; có 355 trong tổng số 424 xã thành lập tổ thu gom rác thải, trong đó 143 xã đã tổ chức chuyển rác đem đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác tập trung của thành phố, chiếm tỷ lệ 40%...

Việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn luôn được thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và cộng đồng; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, từ đó đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập “Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý rác thải của thành phố.

Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2020, tất cả dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, 80% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế; 100% chợ có nước sạch.

Giai đoạn đến năm 203, tất cả dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế. Về vệ sinh môi trường nông thôn, đến năm 2020, tất cả số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; tất cả số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải; 50% số làng nghề bị ô nhiễm nặng được xử lý chất thải.

Giai đoạn đến năm 2030, tất cả cơ sở công cộng có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; mọi làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm bị ô nhiễm được xử lý chất thải.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trên, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh tại khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn một số những vấn đề đáng lo ngại.

Hiện nay ở Hà Nội, nhiều nơi, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, giếng đào nhưng chất lượng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh.

Theo lý giải của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, nguyên nhân thiếu nước trầm trọng tại các huyện ngoại thành Hà Nội lâu nay do tăng dân số cơ học, trong khi đó số lượng trạm cấp nước tập trung chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi không có trạm cấp nước phục vụ người dân hoặc có trạm cấp nước nhưng bị xuống cấp hư hỏng nặng.

Việc quản lý nước thải sinh hoạt trong chăn nuôi, làng nghề... cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ. Trung bình, mỗi ngày, khu vực ngoại thành thải ra môi trường 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, 11.153 tấn chất thải chăn nuôi và chất thải sinh hoạt xả trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, kênh mương nội đồng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

P.A (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục