Honduras hoãn phục chức cho tổng thống Zelaya

Giới quan sát nhận định đây là một động thái nhằm cản trở tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 4 tháng qua.
Sau  phiên họp về vấn đề phục chức cho Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya, Tòa án Tối cao Honduras ngày 12/11 đã quyết định trì hoãn tiến trình này một tuần.

Tòa án Tối cao Honduras tuyên bố ngày 18/11 tới sẽ xem xét và quyết định có phục chức cho ông Zelaya hay không.

Giới quan sát nhận định đây là một động thái nhằm cản trở tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 4 tháng qua tại nước cộng hòa Trung Mỹ này sau khi Tổng thống hợp hiến Zelaya bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 28/6 vừa qua.

Việc tòa án trên tuyên bố sẽ có quyết định cuối cùng về vấn đề phục chức ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống (dự kiến diễn ra ngày 29/11 tới) sẽ ảnh hưởng tới quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên và việc thực thi Thỏa thuận Telguciganpa/San Jose, được ký ngày 30/10 giữa Chính phủ tiếm quyền Honduras và Tổng thống bị lật đổ Zelaya.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/11, hãng EFE đưa tin Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry, đã chỉ trích thỏa thuận giữa các bên tại Honduras bị đổ vỡ là do Washington thay đổi thái độ khi tuyên bố sẽ thừa nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống tới tại nước này cho dù ông Zelaya có được phục chức hay không.

Theo phóng viên TTXVN tại Havana, Thượng nghị sĩ Kerry đã lên án thái độ “quay ngoắt” của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với vấn đề Honduras vào cuối tuần trước khi mà Chính phủ tiếm quyền của ông Roberto Micheletti chưa hề thực hiện Thỏa thuận Telguciganpa/San Jose, khiến văn kiện này trở nên vô giá trị.

Trong khi đó, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và đa phần các quốc gia tại Mỹ Latinh đều khẳng định sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử tới tại Honduras nếu ông Zelaya không được trở lại nắm quyền.

Cùng ngày, một nhóm gồm hơn 240 giáo sư và chuyên gia các trường đại học ở Mỹ đã gửi thư đề nghị Tổng thống Barack Obama không công nhận kết quả bầu cử tới ở Honduras nếu ông Zelaya không được phục chức.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau khi trở về từ Honduras, nghị sĩ Mỹ Jan Schakowsky đã bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền đang ngày càng lan rộng tại nước này sau cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi Quốc hội Honduras sớm phục chức cho ông Zelaya theo tinh thần thỏa thuận đã ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục