Honduras: Tổng thống bị lật đổ gây áp lực với phe đối lập

Tổng thống bị lật đổ của Honduras, ông Manuel Zelaya đã trở lại biên giới đất nước lần thứ hai nhằm gây áp lực với phe đối lập.
Ngày 25/7, Tổng thống bị lật đổ của Honduras, ông Manuel Zelaya đã trở lại biên giới đất nước lần thứ hai nhằm gây áp lực với phe đối lập về việc phục chức cho ông.

Chính phủ lâm thời đã siết chặt phong tỏa ngăn những người ủng hộ đến gặp ông Zelaya tại cửa khẩu biên giới Las Manos nối Nicaragua với Honduras.

Ngày 24/7, sau khi đã đặt chân lên lãnh thổ Honduras, ông Zelaya đã đề nghị được gặp gia đình và đối thoại với giới quân sự trục xuất ông hôm 28/6, nhưng không được chấp thuận.

Ông đã ngủ lại tại khu dân cư Ocotal thuộc Nicaragua và sáng 25/7 lại trở về cửa khẩu Las Manos.

Ông Zelaya đã lập lán trại bên trong lãnh thổ Nicaragua, cách biên giới Honduras khoảng 100m, kêu gọi những người ủng hộ ở lại khu vực giáp ranh giữa hai nước để tiếp tục “kháng chiến”.

Dự kiến, ông Zelaya sẽ lưu lại lán trại này ít nhất hết ngày 26/7. Ông cũng thông báo sẽ sang Washington vào ngày 28/7, nhưng chưa có kế hoạch gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vì trước đó bà Clinton đã chỉ trích kế hoạch của ông trở về Honduras hôm 24/7 vừa qua.

Ông đồng thời khẳng định quyết tâm trở về Honduras từ một nước láng giềng hoặc bay thẳng về San Pedro Sula, trung tâm kinh tế lớn thứ hai ở Honduras.

Căng thẳng tại khu vực biên giới Nicaragua và Honduras ngày càng gia tăng sau khi hơn 3.000 binh sĩ Honduras được điều động tới đây.

Một thanh niên ủng hộ ông Zelaya đã bị sát hại trên đường tới biên giới Nicaragua. Những người ủng hộ ông Zelaya cáo buộc lực lượng cảnh sát Honduras gây ra cái chết của thanh niên này.

Trong khi đó, ngày 25/7, Tổng thống lâm thời Honduras Roberto Micheletti thông báo sẽ mời đại diện chính phủ 6 nước gồm Đức, Bỉ, Canada, Colombia, Panama và Nhật Bản làm quan sát viên trong cuộc đối thoại, dự kiến diễn ra ở Costa Rica, nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị của nước này.

Phát biểu với báo giới tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Tegucigalpa, ông Micheletti cam kết theo đuổi đối thoại để giải quyết khủng hoảng với vai trò trung gian của Tổng thống Costa Rica Arias.

Bất chấp việc ông Zelaya coi nỗ lực trung gian hòa giải của Costa Rica đã thất bại, Tổng thống Arias vẫn khẳng định rằng thỏa thuận là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras hiện nay đồng thời hy vọng hai bên cân nhắc và sớm chấp thuận đề xuất do ông đưa ra.

Theo đề xuất của ông, ông Zelaya sẽ về nước để đảm đương nốt nhiệm kỳ hiện nay (kết thúc vào tháng 1/2010), thành lập chính phủ liên hiệp Honduras và tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 29/10 tới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục