Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua?

Xã hội Hong Kong luôn tồn tại nhiều tiếng nói khác nhau, trong một năm qua, Hong Kong cũng đã xảy ra một số sự kiện gây tranh cãi.
Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: 'Sự phát triển của Hong Kong đã chạm vào trái tim tôi.' (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 29/6/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Hong Kong trong 3 ngày. Trả lời phỏng vấn của hàng chục phóng viên tại sân bay quốc tế Hong Kong, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: "Sự phát triển của Hong Kong đã chạm vào trái tim tôi."

Ngày 1/7/2018 đánh dấu tròn 21 năm Hong Kong trở về với Trung Quốc Đại lục, tròn 1 năm Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Hong Kong và cũng tròn 1 năm Chính quyền nhiệm kỳ thứ 5 của đặc khu hành chính Hong Kong nhậm chức.

Trong 1 năm qua Hong Kong đã đạt được những thành tích gì? Dưới sự chỉ đạo tinh thần của một loạt bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã dẫn dắt Hong Kong đạt được những thành tựu mới trong những lĩnh vực nào?

Kiên trì thực hiện chính sách “một nước, hai chế độ,” cải thiện mối quan hệ giữa hành chính và lập pháp

Xã hội Hong Kong luôn tồn tại nhiều tiếng nói khác nhau, trong 1 năm qua, Hong Kong cũng đã xảy ra một số sự kiện gây tranh cãi.

Sau khi lên nắm quyền, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã nhiều lần nhấn mạnh trên các diễn đàn công khai rằng Hong Kong nên quán triệt thực hiện đầy đủ, chuẩn xác chính sách “một nước, hai chế độ,” có ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, kiên quyết phản đối bất kỳ phát ngôn nào cổ súy “Hong Kong độc lập.”

Tòa án căn cứ theo pháp luật đưa ra bản án có tính răn đe đối với những người vi phạm pháp luật, hiện tượng chia rẽ trong một bộ phận thanh niên dần dần được cải thiện, cục diện “bàn cờ công tác thanh niên” từng bước hình thành.

Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu Chính quyền đặc khu Hong Kong nỗ lực hơn trong việc giảm bớt những người đối lập, đối kháng, do đó bà Lâm đã bắt đầu từ việc cải thiện mối quan hệ giữa lập pháp và hành chính, cam kết sẽ làm cho hai cơ quan này tăng thêm lòng tin lẫn nhau.

Trước đây, Hội đồng lập pháp Hong Kong mỗi năm tổ chức 4 hội nghị trưởng đặc khu trả lời chất vấn. Bà Lâm đã phá vỡ cách làm truyền thống, trên cơ sở vốn có, mỗi tháng đều trả lời chất vấn của các thành viên trong Hội đồng lập pháp về các vấn đề xã hội khác nhau.

Khi bà mới đưa ra đề xuất nói trên, nhiều nghị sỹ không đánh giá cao việc làm này, thậm chí coi đó là một trong những chiêu trò khi mới lên cầm quyền.

Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua? ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và tân Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (trái) tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/7/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tuy nhiên sau một thời gian, thành viên của các đảng phái đã nhận ra rằng bà Lâm quả thực đã chủ động giao lưu với các đảng phái khác nhau, sự tương tác trao đổi giữa các nghị sỹ của Hội đồng lập pháp với chính quyền đặc khu cũng tăng lên, mối quan hệ giữa hành chính và lập pháp cũng dần dần được cải thiện.

Mặc dù xã hội Hong Kong vẫn tồn tại một số mâu thuẫn ở tầng nấc sâu hơn, nhưng trong 1 năm qua chính quyền đặc khu đã tiến được bước lớn trong việc thu hẹp sự bất đồng, từng bước đều đặn tiến lên.

Hội nhập cục diện lớn trong sự phát triển Trung Quốc, mở rộng đối ngoại

Ở cấp độ chiến lược quốc gia, Báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc năm 2018 tiếp tục “ủng hộ Hong Kong, Macau hội nhập cục diện lớn của phát triển đất nước, đưa hợp tác giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Macau đi vào chiều sâu.”

Trung ương ủng hộ Hong Kong phát huy ưu thế và vai trò đặc biệt mà đất nước mong muốn, Hong Kong có sở trường trong các chiến lược lớn như Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, xây dựng “Vành đai và Con đường,” xây dựng cụm thành phố vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, đồng thời cung cấp rất nhiều cơ hội cho Hong Kong, trong đó gồm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người Hong Kong về công việc, đời sống và học tập…

Chính quyền đặc khu một mặt dốc sức phối hợp với chính sách phát triển của đất nước, mặt khác tích cực thúc đẩy các công việc đối ngoại của đặc khu.

Trong 1 năm qua, bà Lâm đã thực hiện hơn 20 chuyến thăm nước ngoài, có nhiều chuyến thăm nước ngoài nhất trong số các trưởng đặc khu qua các nhiệm kỳ.

Bà cho biết Hong Kong mong muốn tăng cường mối quan hệ kinh tế với nước ngoài, trong đó gồm thành lập nhiều văn phòng đại diện kinh tế thương mại ở nước ngoài, ký nhiều thỏa thuận song phương, làm cho Hong Kong trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp.

Về phương diện xây dựng “Vành đai và Con đường,” tháng 12/2017, Hong Kong và Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia đã ký bản “Sắp xếp việc ủng hộ Hong Kong tham gia toàn diện và hỗ trợ xây dựng ‘Vành đai và Con đường,’” đồng thời khởi động cơ chế hội nghị liên tịch vào đầu tháng 6/2018.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng cụm thành phố vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau đã trở thành một trong những công việc quan trọng của chính quyền đặc khu nhiệm kỳ này.

Ngày 1/7/2017, dưới sự chứng kiến của Tập Cận Bình, chính quyền Quảng Đông, Hong Kong, Macau và Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia đã ký “Hiệp định khung đưa hợp tác Quảng Đông-Hong Kong-Macau đi vào chiều sâu, đẩy mạnh xây dựng cụm thành phố vịnh lớn này.”

Chính quyền đặc khu hiện đang nỗ lực biên soạn và chỉnh sửa quy hoạch phát triển về cụm thành phố vịnh này, chi tiết quy hoạch sẽ sớm được công bố.

Chính quyền đặc khu còn thúc đẩy nhiều dự luật quan trọng liên quan đến sự phát triển lâu dài của Hong Kong. Để cải thiện việc giao thông vận chuyển giữa Hong Kong và Đại lục, thực hiện việc bố trí “vòng tròn cuộc sống 1 giờ” của cụm thành phố vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, nhiều công trình hạ tầng lớn kết nối xuyên khu vực sẽ lần lượt hoàn thành.

Đoạn thuộc Hong Kong trong tuyến đường sắt cao tốc Quảng Đông-Thâm Quyến-Hong Kong sẽ được đưa vào vận hành trong quý 3, và sẽ thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho một nhà ga, cả Đại lục và Hong Kong cùng quản lý; việc xây dựng cây cầu lớn vượt biển kết nối 3 thành phố Hong Kong-Chu Hải-Quảng Đông đang trong quá trình hoàn thiện; trạm kiểm soát Liantang-Heung Yuen Wai - cửa khẩu đường bộ thứ 7 giữa Hong Kong và Thâm Quyến có khả năng được đưa vào vận hành năm 2018.

Xu thế Hong Kong và Đại lục tăng cường hợp tác phát triển là vô cùng mạnh mẽ, việc tiếp cận các vấn đề quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới.

Không né tránh các vấn đề nan giải trong quá trình cầm quyền, tích cực giải quyết các vấn đề xã hội

Bà Lâm đã thực hiện tốt vai trò mới trong chính quyền đặc khu, khuyến khích êkíp giúp việc chủ động tích cực trong công việc, mạnh dạn tháo gỡ các rào cản.

Nhà ở và đất đai luôn là vấn đề nan giải của chính quyền đặc khu. Hong Kong đã được đánh giá là “thành phố chịu gánh nặng lớn nhất về giá nhà” trong 8 năm liên tiếp.

Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua? ảnh 3Một khu nhà ở ở Hong Kong. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Giá nhà tăng vọt, thời gian được luân phiên thuê nhà ở xã hội có kỳ hạn lại dài, khả năng cung cấp nhà ở có hạn. Tác giả đã tới thăm các căn hộ dạng chia nhỏ (là những không gian cư ngụ nhỏ do một căn hộ thông thường được chia tách làm đôi, làm ba - ND), ngoài môi trường sống chật chội, tình hình vệ sinh còn cực kỳ tồi tệ.

Tuy nhiên, những người sống ở các căn hộ dạng chia nhỏ này, nếu muốn được luân phiên thuê nhà ở xã hội có kỳ hạn thì bình quân phải mất 4,7 năm. Có một cụ bà hơn 80 tuổi cho tác giả biết vợ chồng bà đã đợi 8 năm để được luân phiên thuê nhà ở xã hội có kỳ hạn, cho tới khi cụ ông qua đời họ cũng vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.

Để đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người Hong Kong, sau khi lên cầm quyền, bà Lâm đã đưa ra “chương trình chia sẻ nhà ở xã hội,” mời Liên hội phục vụ xã hội Hong Kong đi đầu, thông qua tập hợp nguồn nhà ở nhàn rỗi trong xã hội, cung cấp nhà tạm thời cho người nghèo, ít nhất là có thể cải thiện điều kiện sống cho một số gia đình trong thời gian ngắn.

Xây nhà thì cần có đất. Sau khi nhậm chức được 2 tháng, bà Lâm đã cho thành lập “Tiểu ban chuyên trách cung cấp đất,” tuyên bố muốn phá vỡ tư duy độc tôn của thị trường trước đây, mở rộng nguồn cung cấp đất trong xã hội.

Các cuộc trưng cầu ý kiến người dân về đất đai đang được tiến hành với hy vọng tập trung được sự đồng thuận xã hội, giải quyết vấn đề nguồn cung cấp đất.

Chính phủ đã đưa ra một số chính sách, biện pháp về đảm bảo y tế, người già, hưu trí và giáo dục, nỗ lực cải thiện đời sống nhân dân. Các khoản chi cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe tăng lên đáng kể, phúc lợi tăng lên, biện pháp tăng cường trợ cấp cho người cao tuổi cũng đã được đưa ra, hoàn thành việc cải cách quy tắc thị trường, thị trường Hong Kong đang chào đón nền kinh tế mới.

Một sáng kiến quan trọng khác được chính quyền đặc khu đưa ra trên phương diện tạo phúc lợi cho người lao động là đáp ứng yêu cầu của ngành lao động Hong Kong trong nhiều năm qua, đề xuất phương án sơ bộ hủy bỏ Quỹ tiết kiệm bắt buộc.

Năm 2000, Chính quyền đặc khu Hong Kong đã đưa ra “quỹ tiết kiệm bắt buộc” để đảm bảo cho người nghỉ hưu, khi người lao động nghỉ hưu hoặc nghỉ việc sẽ nhận được khoản thanh toán thôi việc hoặc tiền dịch vụ trong thời gian dài, và sẽ được Quỹ tiết kiệm Hong Kong (MPFA) bù đắp.

Vấn đề này đã cản trở Hong Kong trong nhiều năm và thậm chí đã trở thành một nguồn gốc của những bế tắc giữa các nhà tuyển dụng và nhân viên. Mặc dù đề xuất của chính quyền vẫn chưa được chính thức thực hiện, nhưng cũng đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu thuận lợi.

Nếu cuối cùng có thể đạt được thỏa thuận thì không những có thể cải thiện phúc lợi của những người làm công ăn lương ở Hong Kong, mà còn có hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động.

Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua? ảnh 4Một người phụ nữ già trong căn phòng chật chội của mình. (Nguồn: Reuters)

Trong 1 năm qua, chính quyền đặc khu cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác thanh thiếu niên.

Trong cương lĩnh cầm quyền sau khi nhậm chức, bà Lâm đề nghị từ tháng 9/2018, sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc sẽ được coi là môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, với hy vọng tạo dựng quan niệm trách nhiệm và quốc gia cho những người trẻ.

Chính quyền còn khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia chính trị, thảo luận chính sự, thành lập ủy ban phát triển thanh niên đứng đầu là Chánh văn phòng Cheung Kong, chuyên nghiên cứu về chính sách thanh niên, khuyến khích giới trẻ không tham gia đảng phái chính trị nào cũng có thể tham gia thảo luận về chính sách của Hong Kong.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã nhắn nhủ với chính quyền đặc khu “phải lấy con người làm gốc, nỗ lực giải quyết các vấn đề nổi cộm về kinh tế, đời sống được người dân quan tâm, khiến người dân thực sự cảm thấy hạnh phúc.”

Mặc dù nhiều vấn đề xã hội chưa thể được giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng chính quyền đặc khu nhiệm kỳ này đã làm được khá tốt chủ trương “không tìm kiếm việc dễ, không né tránh khó khăn,” tích cực giải quyết khó khăn, vấn đề gây tranh cãi trong xã hội.

Nâng cao lợi thế của các ngành vốn có, ra sức thúc đẩy sự phát triển đổi mới khoa học công nghệ

Sự phát triển đổi mới khoa học công nghệ của Hong Kong luôn lạc hậu so với các thành phố liền kề, chính quyền nhiệm kỳ mới đề xuất Hong Kong phải nhanh chóng đuổi kịp về phương diện này.

Trong 1 năm qua, trong khi củng cố và nâng cấp các ngành vốn có như tài chính, vận tải biển, dịch vụ chuyên nghiệp, du lịch, Chính quyền Hong Kong cũng thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới, và đạt được kết quả tốt đẹp.

Hong Kong đã đạt được thành tích gì trong một năm vừa qua? ảnh 5West Kowloon Terminus. (Nguồn: scinotions.com)

Bà Lâm cho rằng nghiên cứu và phát triển các nguồn lực, quy tụ tài năng, cung cấp vốn, xây dựng hạ tầng cho công tác nghiên cứu khoa học, xem xét pháp luật, dữ liệu mở, mua sắm chính phủ, giáo dục khoa học là 8 hướng lớn để Hong Kong tăng cường phát triển đổi mới công nghệ.

Về phương diện nhân tài khoa học công nghệ, chính quyền đặc khu đã đưa ra kế hoạch đẩy mạnh đào tạo nhân tài khoa học công nghệ, đẩy nhanh tiến độ đưa vào Hong Kong các cán bộ nghiên cứu khoa học ở nước ngoài và Đại lục, hy vọng hợp tác với các trường đại học địa phương và các tổ chức nghiên cứu. Ở công viên công nghệ và đổi mới sáng tạo Lok Ma Chau Loop, những khoản chi cho quy hoạch và công trình thời kỳ đầu đều có tiến triển tương đối thuận lợi.

Chính quyền trung ương ủng hộ Hong Kong trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới quốc tế. Tháng 5/2018, được sự phê duyệt của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài chính đã công bố chính sách mới, nhất trí dưới sự kiến nghị của 24 viện sỹ Viện hàn lâm, cho phép sử dụng quỹ nghiên cứu của Đại lục ở Hong Kong, đồng thời áp dụng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu để khuyến khích các tổ chức nghiên cứu tiến vào Đại lục, tham gia nghiên cứu phát triển quốc gia, tạo động lực cho việc phát triển khoa học công nghệ của Hong Kong.

Đổi mới và phát triển công nghệ là một động lực lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Hong Kong trong 1 năm qua, bầu không khí đổi mới khoa học công nghệ của Hong Kong liên tục được cải thiện, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ bùng nổ, dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của trung ương, Chính quyền đặc khu Hong Kong cũng đã đưa ra một bảng thành tích khiến người khác hài lòng.

Cũng trong 1 năm qua, các biện pháp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân từng bước được thực hiện, sự phối hợp và hợp tác khu vực đã có nhiều thay đổi, các cuộc tranh cãi gây chia rẽ trong xã hội giảm bớt, toàn bộ bầu không khí thay đổi theo hướng tốt hơn.

2018 là một năm lịch sử, cũng là tròn 40 năm Trung Quốc cải cách mở cửa, cũng là năm mở màn cho việc Hong Kong trở về với Trung Quốc đại lục 22 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục