Hong Kong: Trung tâm tài chính quốc tế hướng tới tương lai

Hong Kong đang đứng trước bài toán lớn về việc làm thế nào để phát triển ngành tài chính mới, tiếp tục củng cố địa vị trung tâm tài chính quốc tế.
Hong Kong: Trung tâm tài chính quốc tế hướng tới tương lai ảnh 1Toàn cảnh Hong Kong. (Nguồn: AFP)

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Thượng Hải và Singapore hiện nay, Hong Kong đang đứng trước bài toán lớn về việc làm thế nào để phát triển ngành tài chính mới, tiếp tục củng cố địa vị trung tâm tài chính quốc tế.

Cuối tháng 11 vừa qua, ngân hàng đầu tư Haitong International đã công bố báo cáo “Hong Kong: Trung tâm tài chính quốc tế hướng tới tương lai.”

Báo cáo gợi ý ba phương hướng khả thi để Hong Kong trở thành trung tâm tài chính trong tương lai. Một là trở thành thị trường nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đại lục. Hai là xây dựng trung tâm tài chính bền vững và là đầu mối đầu tư trọng yếu dựa vào các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hướng đến toàn cầu. Ba là thiết lập trung tâm giao dịch và quản lý tài sản kỹ thuật số.

Mục đích của báo cáo là nêu bật một số lĩnh vực có tiềm năng trong tương lai song hiện vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Do Hong Kong có thể có lợi thế đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra những điểm cần thiết cho sự phát triển tài chính của Hong Kong trong tương lai, đồng thời khuyến nghị chính quyền và giới công nghiệp về những điểm tăng trưởng tiềm năng này.

Giữ vững vị thế trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục

Đối với vấn đề quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, báo cáo cho rằng phần lớn các khoản đầu tư trong nước và ra bên ngoài của Trung Quốc, cũng như phần lớn đầu tư tài chính, đều được thực hiện thông qua Hong Kong.

[HKMA: Hong Kong giữ vững vị thế trung tâm tài chính toàn cầu]

Năm 2020, tổng thu nhận và thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ ở Hong Kong đã vượt hơn 13.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 200 tỷ USD), chiếm 46% tổng thu nhận và thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.

Hong Kong là thị trường giao dịch đồng nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đại lục lớn nhất toàn cầu, với khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày chiếm 41% tổng giao dịch ở bên ngoài Trung Quốc, do đó báo cáo cho rằng các nghiệp vụ liên quan vẫn có tiềm lực rất lớn, đồng thời đưa ra 5 kiến nghị.

Thứ nhất, tích cực mở rộng thị trường trái phiếu đồng nhân dân tệ ở Hong Kong, khuyến khích các tổ chức đầu tư Trung Quốc, bao gồm các chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ bên ngoài đại lục, đồng thời khai thông nghiệp vụ mua lại trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của các tổ chức bên ngoài.

Thứ hai, khuyến khích các công ty Hong Kong định giá, giao dịch và huy động vốn bằng đồng nhân dân tệ, cung cấp thêm các sản phẩm đầu tư chứng khoán bằng đồng nhân dân tệ cho các tổ chức nắm giữ đồng nhân dân tệ ở nước ngoài. Điều này có thể phù hợp với nhu cầu vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong.

Thứ ba, đa dạng hóa các công cụ quản lý rủi ro đồng nhân dân tệ bằng cách phát triển các sản phẩm phái sinh tài chính như trái phiếu, cổ phiếu, chỉ số, hợp đồng tương lai/quyền chọn quỹ ETF bằng đồng nhân dân tệ.

Thứ tư, tăng cường vai trò kết nối của vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, tham gia và thúc đẩy việc sử dụng xuyên biên giới đồng nhân dân tệ ở khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, làm sâu sắc hơn cơ chế liên kết liên thông.

Thứ năm, xây dựng đầu mối trọng yếu cho mạng lưới thanh toán xuyên biên giới toàn cầu của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, tích cực thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ở Hong Kong.

Hướng đến một nền kinh tế xanh

Một trọng điểm khác của báo cáo “Hong Kong: Trung tâm tài chính quốc tế hướng tới tương lai” là khuyến nghị Hong Kong xây dựng trung tâm tài chính bền vững và trở thành đầu mối đầu tư dựa vào các tiêu chí ESG trọng yếu hướng đến toàn cầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu Glasgow được tổ chức ở Vương quốc Anh vừa qua, có thể thấy rằng chính sách kinh tế xanh mới toàn cầu đã trở thành một trong những đầu tàu của kinh tế toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh, và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng sẽ đầu tư một nữa là nguồn lực tài chính liên quan đến các kế hoạch khí hậu trong 10 năm tới.

Đối với kinh tế xanh, báo cáo cũng đưa ra 5 kiến nghị. Thứ nhất, thành lập sáng kiến đầu tư có trách nhiệm ở địa phương, thúc đẩy trao đổi và hợp tác trong ngành.

Thứ hai, kiến nghị tất cả chủ sở hữu tài sản và nhà quản lý tài sản ở Hong Kong thiết lập mục tiêu đầu tư liên quan đến rủi ro biến đổi khí hậu và trung hòa carbon.

Thứ ba, ủng hộ sáng tạo và phát hành các sản phẩm tài chính đáp ứng các tiêu chí ESG, kiến nghị các quỹ hối đoái tăng cường nắm giữ các sản phẩm có liên quan đến ESG phát hành ở Hong Kong.

Thứ tư, thiết lập thị trường giao dịch carbon địa phương, thông qua liên kết với các thành phố của khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, sử dụng hệ thống và nền tảng giao dịch quyền phát thải carbon hiện có, xây dựng một trung tâm giao dịch carbon thống nhất giữa Trung Quốc với bên ngoài.

Thứ năm, tăng cường đào tạo và xuất khẩu chuyên gia về ESG, cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ, khuyến khích các trường học địa phương tăng cường xây dựng chương trình đào tạo và trung tâm nghiên cứu liên quan đến ESG.

So với các trung tâm tài chính khác, trên thực tế Hong Kong thiếu năng lực xây dựng tiêu chuẩn ESG. Nếu nước Anh phát hành trái phiếu chính phủ xanh và có tiêu chuẩn xanh tương ứng, thì trái phiếu xanh của Hong Kong không được giao dịch sôi động, chiều sâu của thị trường chưa đủ.

Ngoài ra, báo cáo còn khuyến nghị Hong Kong phát triển trung tâm giao dịch và quản lý tài sản kỹ thuật số, song nội dung không phản ánh cụ thể. Điều này được cho là có liên quan đến việc thắt chặt giám sát đối với tài sản kỹ thuật số ở Trung Quốc và Hong Kong, biến số khá lớn, nên chưa được đề cập nhiều.

Nhà kinh tế trưởng Khổng Minh Xuân của Ngân hàng đầu tư Haitong International cho rằng đầu tư phải xác định có liên quan đến rủi ro và nhà đầu tư cần quản lý tốt rủi ro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục