Họp HĐND Hà Nội: Nóng chuyện đất dự án và ô nhiễm

Chiều 8/12, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của Thành phố và yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung khắc phục trong năm 2009, nhất là vấn đề cấp đất cho các dự án và ô nhiễm môi trường.

Chiều 8/12, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của Thành phố và yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung khắc phục trong năm 2009, nhất là vấn đề cấp đất cho các dự án và ô nhiễm môi trường.
 
Kỳ họp lần thứ 17 Hội đồng Nhân dân thành phố chính thức khai mạc sáng nay. Buổi chiều, Hội đồng chia làm 5 tổ tiến hành thảo luận về các nội dung liên quan đến báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2008 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển năm 2009.
 
Thu hồi đất của những dự án không hiệu quả
 

Trong bài phát biểu của mình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận xét, công tác quản lý nhà nước của chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đất đai, môi trường, trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế.
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Xuân Hằng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, vấn đề trên đã được đề cập trong báo cáo của HĐND từ năm 2004 và từ đó đến nay năm nào cũng có “yếu kém” như vậy trong báo cáo. Để khỏi phải có yếu kém này đề cập vào báo cáo năm 2009, đề nghị Thành phố cần rà soát lại việc cấp đất cho các dự án. Những dự án đầu tư kém hiệu quả, do năng lực tài chính mà để trống hay sử dụng không đúng mục đích thì nhanh chóng thu hồi ngay.
 
“Nhà máy thuốc lá Thăng Long được cấp 25 ha đất ở Quốc Oai mà đến 3-4 năm nay vẫn bỏ hoang, trông đến mà xót xa, người dân thì không có đất mà trồng trọt,” đại biểu Hằng bức xúc. “Thành phố có dám cương quyết thu hồi đất của những dự án đầu tư kém hiệu quả và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để những chủ đầu tư đó không có cơ hội 'chạy chọt' dự án ở các địa phương khác không?”
 
Ông Đào Xuân Mùi, đại biểu huyện Thanh Trì cũng đề nghị thành phố phải chỉ đạo rà soát chặt chẽ các dự án hiện nay, nhất là việc xem xét tính khả thi của dự án, năng lực của chủ đầu tư. “Tôi biết có nhiều dự án lấy đất hàng trăm hécta nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có động thái triển khai. Vấn đề này phải sớm kiểm tra, vì nếu giải phóng mặt bằng lấy đất của dân mà dự án kéo dài hoặc dự án treo thì chính quyền sẽ lại hứng lấy hậu quả giải quyết.”
 
Không xử lý nước thải, không được hoạt động
 

Đồng ý chủ trương của thành phố trong việc thực hiện nghiêm yêu cầu xử lý nước thải cục bộ tại các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, bệnh viên, nhưng đại biểu Nguyễn Khắc Thọ, quận Cầu Giấy, đề nghị trước mắt Thành phố kiên quyết không cho doanh nghiệp đi vào hoạt động nếu không có hệ thống xử lý nước thải.
 
“Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra ở khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh-Hà Nội), đã có gần 400 doanh nghiệp hoạt động ở đây, nhưng không có một doanh nghiệp nào có hệ thống xử lý nước thải,” ông Thọ nói. Ông cũng cho biết, các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn Hà Nội đã có nguy cơ hết công suất sử dụng, nếu cứ tiếp tục khai thác quỹ đất để chôn lấp rác thải sẽ không những “giết chết” nguồn nước ngầm mà còn gây ô nhiễm không khí.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Thạch, huyện Mỹ Đức, bổ sung thêm rằng, để kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ môi trường, cần tăng cường hoạt động giám sát và quan trọng hơn là công tác hậu giám sát.
 
Có một thực tế hiện nay là không ít kết luận của các đoàn giám sát bị chìm vào quên lãng, mặc dù lãnh đạo đơn vị được giám sát khi tiếp thu rất bài bản, nghiêm túc và lời hứa cũng "chắc như đinh đóng cột," ông nói.
 
Theo ông Thạch, nên thống nhất quy định một vấn đề, lĩnh vực có thể thực hiện giám sát nhiều lần, nhất là những vấn đề về môi trường.
 
Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục