Hợp tác bảo vệ động, thực vật hoang dã ở các nước ASEAN

Đông Nam Á sở hữu các giá trị đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên, hơn 40% giá trị đa dạng sinh học của khu vực đang bị đe dọa do khai thác và buôn bán trái phép.
Hợp tác bảo vệ động, thực vật hoang dã ở các nước ASEAN ảnh 1Lực lượng chức năng Việt Nam thu giữ một lô hàng da cá sấu và cá sấu con trái phép. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam phối hợp với Ban điều phối hỗ trợ Mạng lưới thực thi pháp luật bảo về động vật, thực vật hoang dã các nước ASEAN đã tổ chức hội thảo đối tác hỗ trợ Mạng lưới lần thứ nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, hội thảo nhằm xác định các hành động và chương trình ưu tiên cho Mạng lưới thực thi pháp luật bảo về động vật, thực vật hoang dã các nước ASEAN (ASEAN-WEN), đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa Mạng lưới và các tổ chức, thể chế khác trong khu vực và trên thế giới nhằm duy trì tính bền vững của Mạng lưới, góp phần bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, các loài động vật, thực vật hoang dã và ngăn ngừa, triệt tiêu các hành vi buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã trong khu vực và trên toàn cầu.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, việc duy trì và đảm bảo hiệu quả của Mạng lưới ASEAN-WEN trước tiên thuộc về trách nhiệm của tất cả các nước thành viên ASEAN.

Tuy vậy, phần lớn các quốc gia này vẫn còn là các quốc gia đang phát triển nên hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, kỹ thuật và tài chính. Chính vì vậy, sự chung tay và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác của các tổ chức vùng khác là yếu tố quan trọng để duy trì và thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng của ASEAN không chỉ đối với các quốc gia thành viên mà còn đối với toàn khu vực châu Á và trên thế giới.

Tại hội thảo, các thành viên Mạng lưới ASEAN-WEN đều tin tưởng rằng, một cơ chế duy trì hoạt động bền vững của mạng lưới sẽ được quyết định trên cơ sở hỗ trợ của các đối tác, các thể chế quốc tế.

Theo ông John E. Scalon, Tổng thư ký CITES, với sự tham gia rộng rãi của các đối tác có cùng mục tiêu trong đấu tranh với tội phạm về loài hoang dã sẽ huy động được nguồn lực cho Mạng lưới phát triển bền vững.

Đông Nam Á là khu vực sở hữu các giá trị đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, hiện hơn 40% giá trị đa dạng sinh học của khu vực đang bị đe dọa và nguyên nhân chủ yếu là do khai thác và buôn bán trái phép.

Các hoạt động buôn bán trái phép loài hoang dã đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các dịch vụ hệ sinh thái, sự phát triển kinh tế và đe dọa cả an ninh quốc gia, an ninh khu vực và thế giới.

Mạng lưới ASEAN-WEN được thành lập năm 2005. Đây là bằng chứng về sự cam kết mạnh mẽ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đối với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm của mỗi quốc gia và khu vực thông qua việc tăng cường phối hợp trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia.

Đến nay, Mạng lưới ASEAN-WEN đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực như: tăng cường thực thi pháp luật; triệt phá và bắt giữ hàng nghìn vụ buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã xuyên biên giới; xây dựng hệ thống tài liệu tập huấn hữu ích phục vụ cho công tác thực thi pháp luật cho 10 quốc gia thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục