Hợp tác chặt chẽ cho xây dựng Cộng đồng ASEAN

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng khẳng định Campuchia, Lào, Myanmar, VN cần hợp tác chặt chẽ để đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giữa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam về "Hội nhập kinh tế quốc tế vì sự phát triển bền vững trong cục diện thế giới hiện nay."

Hội thảo nằm trong chương trình hoạt động của năm 2011 thuộc khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức) về hỗ trợ Việt Nam và các nước trong khu vực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng khẳng định trong bối cảnh thế giới và khu vực biến chuyển nhanh chóng, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cần tiếp tục tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời hợp tác chặt chẽ và phối hợp để đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội bền vững của mỗi nước cũng như nâng cao hiệu quả của hội nhập với vai trò của bốn nước trong khu vực và thế giới.

Trong bài tham luận chính, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng cục diện thế giới hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 có những biến chuyển sâu rộng dẫn đến quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế thế giới về mặt kinh tế cùng sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia và khu vực về mặt an ninh, chính trị.

Trong bối cảnh đó, bốn nước không có cách nào khác ngoài nỗ lực tự cường là đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong khu vực trên các tầng nấc khác nhau như ASEAN, tiểu vùng đồng thời tranh thủ sự hợp tác với các nước bên ngoài trên cơ sở giữ vững chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Giám đốc quốc gia phái đoàn thường trực tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tomoyumi Kimura đánh giá tích cực về triển vọng của hợp tác tiểu vùng gồm Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), tam giác tăng trưởng Indonesia, Malaysia và Thái Lan (IMT-GT), khu vực tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA)....

Theo ông Tomoyumi Kimura, việc thực hiện Chương trình Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã đạt nhiều kết quả với tổng cộng 55 dự án và gần 14 tỷ USD được triển khai, phát huy hết sự đa dạng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế, thúc đẩy các liên kết kinh tế, hội nhập thị trường của các nước thành viên, cho phép các nước này giải quyết những nút thắt chung cản trở sự luân chuyển tự do của hàng hóa, con người và dòng vốn qua biên giới.

Vì vậy, ADB khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với bốn nước và hỗ trợ các cơ chế hợp tác tiểu vùng hiện nay để giúp các nước này thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các quan chức cao cấp và đại biểu của Campuchia, Lào, Myanmar đã chia sẻ kinh nghiệm và nhiều bài học bổ ích về hoạch định và triển khai chính sách hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đại biểu còn nhất trí cao việc tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế các thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, bốn nước cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhất là trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng, khu vực và liên khu vực.

Đáng chú ý, đại diện các nước Campuchia, Lào, Myanmar cũng như các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Hội thảo này. Các đại biểu cho rằng Hội thảo đã góp phần hình thành mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế thường xuyên hơn giữa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác và phối hợp giữa bốn nước theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục