Hợp tác kinh tế Lào-Việt phát triển vững chắc

Theo thống kê, trong năm 2009, Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Lào với 48 dự án, tổng vốn đăng kí là 1,42 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa Lào-Việt Nam đã phát triển nhanh chóng theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo của Chính phủ Lào và củng cố quan hệ vốn luôn gắn bó mật thiết giữa hai nước.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào-Việt Nam, ông Somsavat Lengsavat về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào trong giai đoạn 2006 đến nay?

Ông Somsavat Lengsavat: Từ 2006-2009, hợp tác kinh tế Lào-Việt Nam đang có những bước phát triển rất vững chắc, ngày càng có kết quả và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Ví dụ trong giai đoạn 2006 đến quý III năm 2007, đầu tư của Việt Nam vào Lào còn ít, nhưng từ cuối năm 2007 đến năm 2009, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào đã tăng rất nhanh.

Nếu trước đây, Việt Nam chỉ đứng thứ mười mấy trong số các nước đầu tư vào Lào, thì từ cuối năm 2007, đã có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Việt Nam đã là một trong ba quốc gia đầu tư lớn nhất vào Lào, có những lúc thậm chí còn vươn lên đứng thứ nhất. Riêng năm 2008 và 2009, Việt Nam liên tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào.

Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế hai nước trong những năm tới?

Ông Somsavat Lengsavat: Rất sáng sủa và có nhiều tiềm năng. Hai Đảng, hai Chính phủ đã đề ra phương hướng cũng như phương châm hợp tác giữa hai nước, theo đó hai bên sẽ phát huy thế mạnh của mình để đẩy mạnh hợp tác.

Lào có nhiều tiềm năng về thủy điện, đất đai, khoáng sản trong khi Việt Nam có vốn, năng lực và kĩ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng thủy điện, trồng cây công nghiệp và khai khoáng.

Các doanh nghiệp của hai bên cũng cần tăng cường quan hệ để nắm chắc về luật pháp, các quy chế và quy định của mỗi nước nhằm tránh các sai sót không đáng có do thiếu hiểu biết.

Hiện Chính phủ Lào đang có chính sách hợp tác trực tiếp với các công ty và tập đoàn lớn của Việt Nam, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về mô hình hợp tác này?

Ông Somsavat Lengsavat: Đây là một mô hình đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, ví dụ trong việc hợp tác với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, một công ty tương đối lớn của Việt Nam. Hoàng Anh Gia Lai đã viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Lào 4 triệu USD và cho vay 15 triệu USD không lấy lãi để Lào xây dựng Khu làng vận động viên phục vụ cho cho SEA Games 25 vừa qua.

Đổi lại, Chính phủ Lào hứa sẽ trả cho Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian 3 năm bằng cách cho phép Công ty được tận thu gỗ tại lòng hồ thủy điện Xêcamản 1. Hiện Hoàng Anh Gia Lai cũng đang trồng cao su, khảo sát xây dựng thủy điện tại Lào.

Hay Công ty golf Long Thành cũng đang đầu tư tới 1 tỷ USD để xây dựng khu sân golf và biệt thự ở thủ đô Vientiane. Tất cả các ví dụ kể trên đều là sự hợp tác trực tiếp giữa Chính phủ Lào và các công ty của Việt Nam. Theo tôi, đây là một mô hình tốt và có nhiều triển vọng.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, năm 2009, Việt Nam vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào nước này với vốn đăng kí là 1,42 tỷ USD/48 dự án. Tiếp theo là Trung Quốc với 47 dự án, tổng vốn đăng ký là 932,8 triệu USD, sau nữa là Thái Lan với 37 dự án, tổng vốn đăng ký là 908,6 triệu USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư vào Lào. Như vậy, tính từ năm 1989 đến tháng 9/2009, Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư vào Lào, với trị giá là trên 2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ, khai khoáng, thủy điện, trồng cây công nghiệp. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ là nổi bật nhất với dự án sân golf và biệt thự của Công ty Long Thành./.

Phạm Văn Kiên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục