Hợp tác quân sự-dân sự trong phòng, chống đại dịch

Hội thảo tập huấn về các phương án hợp tác giữa quân sự và dân sự trong phòng, chống đại dịch ở Việt Nam diễn ra này 23/8 tại TP.HCM.
Ngày 23/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quân y Việt Nam và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn về các phương án hợp tác giữa quân sự và dân sự trong phòng, chống đại dịch ở Việt Nam.

Đại tá Vũ Quốc Bình, Cục phó Cục Quân y cho biết đây là chuỗi các hoạt động của quân đội hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, nhằm đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo dân sự, lập kế hoạch dân sự và quân sự để sẵn sàng đối phó với đại dịch - thảm họa gây chết người trên phạm vi toàn cầu.

Theo Đại tá Vũ Quốc Bình, khi xảy ra các đại dịch thì quân đội là lực lượng tiên phong tham gia ứng cứu, phối hợp với quân và dân y để kịp thời cứu người, chữa trị, khắc phục hậu quả đồng thời với các phương án ngăn chặn sự lây lan của đại dịch thường xảy ra sau thiên tai.

Tại hội thảo, đại diện lực lượng Quân y và dân y (Sở Y tế) của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam sẽ cùng với các chuyên gia Hoa Kỳ thực hành các phương án, lập kế hoạch cho các nhu cầu đặc biệt khẩn cấp, tiến hành khảo sát, phản ứng nhanh nhạy và dự báo khả năng phục hồi cộng đồng sau đại dịch...

Hội thảo cũng tìm giải pháp cải thiện khả năng tham gia của quân đội vào các kế hoạch đối phó đại dịch của Chính phủ, bao gồm cả khả năng xảy ra làn sóng thứ ba của virus cúm H1N1 đã lan ra khắp toàn cầu hồi đầu năm 2009.

Chuyên gia quân sự Hoa Kỳ, ông Andrew Bates đã trình bày một loạt các kế hoạch hợp tác quân sự và dân sự trong phòng chống các đại dịch, tiêu biểu là đại dịch cúm H1N1.

Ông Andrew Bates cho rằng các kế hoạch này cũng có thể được sử dụng để chuẩn bị đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai có thể ảnh hưởng đến Việt Nam và toàn cầu. Đối phó với đại dịch đa ngành cần xây dựng kế hoạch hợp tác dân sự và quân sự từ cấp địa phương đến toàn quốc, nhằm đạt được hai mục tiêu chính là hỗ trợ chính phủ khống chế và đối phó; đồng thời giúp giảm thiểu các tác động về ngành và duy trì tính liên tục của hoạt động...

Hội thảo cũng đề cập đến các loại virus cúm mới, vắcxin, các chính sách ngăn chặn, các biện pháp can thiệp không dùng thuốc và thiết bị bảo vệ, phòng hộ cá nhân...

Trong phương án phòng dịch toàn quốc, các chuyên gia đã đề xuất nhiều kế hoạch giả định về nhu cầu đặc biệt của người dân, công tác xử lý xác chết, giải quyết người bị trục xuất và người tị nạn khi có thảm họa và dịch bệnh lan rộng...

Ngoài ra, hội thảo cũng thảo luận nhằm đưa ra một phương án hợp tác tối ưu nhất nhằm giúp giảm bớt những khó khăn kinh tế mà cộng đồng có thể gặp phải sau khi đại dịch xảy ra./.

Hữu Duyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục