Hợp tác sử dụng bền vững các nguồn vi sinh vật

Hội thảo về bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn vi sinh vật, thuộc Hội nghị Hiệp hội Vi sinh vật châu Á lã diễn ra ngày 27/11.
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn vi sinh vật, thuộc khuôn khổ Hội nghị lần thứ 6 Hiệp hội Vi sinh vật châu Á, diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội nghị vi sinh vật châu Á hàng năm với mục tiêu bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen vi sinh vật.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, là một nước nông nghiệp, Việt Nam coi công nghệ sinh học là một lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Việt Nam cũng coi trọng hợp tác quốc tế để phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt đối với các nước châu Á.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, để hướng tới sự phát triển bền vững hơn sau khủng hoảng, thế giới cần tăng cường đổi mới công nghệ, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sử dụng các công nghệ thân với môi trường, tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời...

Phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa với những công nghệ sinh học mới chính là mục tiêu của nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực vi sinh vật và công nghệ sinh học đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Đây là dịp các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về những mối quan tâm chung như bảo tồn khai thác nguồn gen, trao đổi nguồn gen, cập nhật kiến thức và phát triển nguồn nhân lực...

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các báo cáo chuyên đề về các vấn đề liên quan đến khai thác nguồn gen vi sinh vật.

Hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề thiết thực như chiến lược phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hợp tác cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề chung cấp bách hiện nay như môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh nhiệt đới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh, công nghệ sạch vì một châu Á an toàn và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục