Hợp tác thương mại thông qua WTO - Nền tảng của kinh tế toàn cầu

Theo Tổng giám đốc WTO liên kết trong hệ thống thương mại toàn cầu đã luôn chứng minh sự hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu.
Hợp tác thương mại thông qua WTO - Nền tảng của kinh tế toàn cầu ảnh 1Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 28% tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu. (Nguồn: theguardian)

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo, liên kết trong hệ thống thương mại toàn cầu đã luôn chứng minh sự hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu.

Đăng tải bài viết trên trang Diễn đàn Đông Nam Á số mới nhất, ông Roberto Azevêdo nhận định gia tăng căng thẳng thương mại đã trở thành chủ đề chính xuất hiện dày đặc trên tiêu đề các trang thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hầu hết các bài viết đánh giá và phân tích thường không đề cập đến cốt lõi của hệ thống thương mại toàn cầu, vốn đã hoạt động vô cùng tốt trong suốt nhiều năm qua.

Ông Azevêdo cho rằng mặc dù quản trị thương mại toàn cầu đã là câu chuyện thành công từ nhiều năm trước, bắt nguồn từ thời kỳ hậu chiến tranh, song điều quan trọng cần ghi nhớ là thế giới có thể sẽ mất mát rất nhiều nếu những căng thẳng hiện nay tiếp tục leo thang, làm gia tăng các hành động “trả đũa” thông qua các chính sách thương mại.

Hệ thống thương mại đa phương, dựa trên cơ cấu của WTO, hoạt động rất hiệu quả trong suốt nhiều năm qua. Hệ thống này đảm bảo nền móng cho các nước tự tin lập kế hoạch kinh tế quốc gia - trong một số khoảng thời gian. Thậm chí, một số quốc gia đã đứng ra đảm nhận sự ổn định và tạo tầm nhìn cho hệ thống thương mại toàn cầu, từ đó, mở rộng kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia.

Ông Azevêdo luôn có các cuộc điện đàm trao đổi với các bộ trưởng thương mại các nước hàng ngày, nhưng rất hiếm khi một bộ trưởng tài chính gọi điện cho ông để hỏi về tầm nhìn của hệ thống thương mại toàn cầu. Theo ông Azevêdo, các nhà chính trị, kinh tế và hầu hết mọi người cho rằng hệ thống này đơn giản là thực tế của cuộc sống.

[WTO cảnh báo gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh]

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 28% tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu, đây rõ ràng không phải là một phần nhỏ trong cơ cấu kế hoạch phát triển kinh tế, cũng như chiến lược phát triển dành cho các nền kinh tế, bao gồm cả nền kinh tế lớn và nhỏ, phát triển và đang phát triển.

Trong bài viết, ông Azevêdo phân tích: “Hãy tưởng tượng, nếu chúng tôi bất ngờ trình bày một kịch bản, khi mà hệ thống thương mại thế giới bắt đầu gặp trục trặc. Nếu các hàng rào thuế quan không còn bị áp đặt ở mức thấp như chúng ta vẫn thấy ngày nay và nếu các quốc gia thành viên không tuân thủ các cam kết quốc tế, hay thậm chí nếu hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bị xói mòn, thì kết quả rõ ràng sẽ là một bi kịch.”

Hợp tác thương mại thông qua WTO - Nền tảng của kinh tế toàn cầu ảnh 2Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo. (Nguồn: WTO)

Bất chấp gia tăng căng thẳng giữa phần lớn các đối tác thương mại, thương mại quốc tế vẫn đang phát triển và góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Trao đổi hàng hóa toàn cầu đã tăng 4,7% trong năm 2017 - mức cao nhất kể từ năm 2011. Chu kỳ kinh tế vận hành đồng bộ giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được thực hiện theo cách mà chúng ta chưa từng nhìn thấy trong cả một thập kỷ vừa qua. Sự phát triển này rất có thể sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Theo ước tính của WTO, sản lượng thương mại hàng hóa quốc tế sẽ tăng ở mức 4,4% trong năm 2018 và xấp xỉ 4% trong năm 2019. Những dự báo này là một tin tốt. Nó cũng có nghĩa là thương mại vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng, phát triển và tạo việc làm.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể gặp rủi ro nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Nền kinh tế toàn cầu ngày nay được liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia với nhau. Rắc rối sẽ nhân rộng khi mà các hành động hạn chế thương mại diễn ra.

Khoảng 2/3 hoạt động thương mại thế giới ngày nay được thực hiện thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu. Như nhà kinh tế học Richarde Balwin đã giải thích, việc xây dựng rào cản thương mại trong nền kinh tế hiện đại giống như xây một bức tường chắn giữa nhà máy. Và trong một nền kinh tế kết nối toàn cầu, tác động của bất kỳ cú sốc nào lên hệ thống thương mại đều ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới, vượt xa khỏi phạm vi các quốc gia có liên quan trực tiếp. Trong kịch bản này, tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng và các quốc gia kém phát triển sẽ phải hứng chịu nhiều nhất.

Hợp tác quốc tế là cần thiết để làm giảm bớt căng thẳng và bảo vệ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. WTO, nơi tạo ra diễn đàn cho các thành viên tìm kiếm phương thức hợp tác và kết hợp với nhau, sẽ đóng vai trò chuyên biệt trong tiến trình này. Ông Azevêdo viết: “Thực tế là chúng tôi đã làm như vậy trước đây.

Nếu không có WTO, một làn sóng các biện pháp bảo hộ đã bị khuấy động trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, làm xấu đi đáng kể hiệu quả kinh tế trong giai đoạn suy giảm đó.”

Hệ thống thương mại đa phương rất quan trọng, nhưng hệ thống này cũng cần phải được củng cố và cải thiện để đáp ứng các nhu cầu của kinh tế thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng. Trong một vài năm gần đây, các thành viên của WTO đã thành công trong việc cung cấp một số biện pháp cải cách quan trọng.

Những đột phá này gồm có: Hiệp định tạo thuận lợi thương mại năm 2013, thỏa thuận loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp năm 2015 và một loạt các bước hỗ trợ những thành viên kém phát triển nhất của WTO.

Trong năm 2015, một nhóm các thành viên đã đạt được thỏa thuận mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin, loại bỏ thuế quan trên diện rộng đối với các sản phẩm công nghệ thông tin.

Tại hội nghị các bộ trưởng WTO, được tổ chức ở Buenos Aires (Argentina) vào tháng 12/2017, các thành viên WTO đã đạt thêm được một số bước tiến mới. Ví dụ, họ cam kết đảm bảo một thỏa thuận về trợ cấp đánh bắt thủy sản, dựa trên Mục tiêu phát triển bền vững 14.6 vào cuối năm 2019. Họ đồng ý gia hạn không áp đặt nghĩa vụ hải quan đối với các giao dịch điện tử thêm hai năm nữa. Họ cũng chấp nhận tiếp tục đàm phán trong một số lĩnh vực khác, bao gồm nông nghiệp, dịch vụ và tiếp cận thị trường.

Các nhóm thành viên - bao gồm những quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển - đã thông báo về các sáng kiến mới để mở ra các cuộc đối thoại của WTO về những vấn đề thương mại điện tử, tạo thuận lợi đầu tư, doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ, trao quyền kinh tế cho phụ nữ… Mọi việc đã được triển khai thực hiện và sẽ tiếp tục vào kỳ họp của WTO tới đây tại Geneva (Thụy Sỹ).

Kết thúc bài viết, ông Azevêdo cho biết: “Những nỗ lực để cải cách và cải thiện hệ thống thương mại là rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ những giá trị vốn có. Hợp tác thương mại, thông qua WTO, là nền tảng của kinh tế toàn cầu ngày nay. Sự hợp tác này là nguồn tài nguyên quý giá – và trong các năm tới tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo chúng ta được thấy các giá trị này nhiều hơn nữa”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục