Họp Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng

Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng đã họp để thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc.
Họp Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.)

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhất trí đánh giá, từ sau Phiên họp thứ 12 (tháng 7/2017) của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao; đưa vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (1 án tử hình, 1 án chung thân).

Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội) đã được cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (1 án chung thân).

Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra làm rõ vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), khởi tố thêm 9 bị can là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng​-Quảng Trạch về các tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, làm rõ nhiều sai phạm trong giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Về phương hướng sắp tới, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I năm 2018.

Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật, các vụ án: Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phân Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử).

[Ý kiến trái chiều về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước]

Phát biểu kết luận Cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương nỗ lực, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tổng Bí thư đánh giá từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tháng 4/2017, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, việc xem xét một số vụ án cụ thể nói riêng, đã thu được kết quả tích cực, đạt tiến độ, yêu cầu đề ra, có những vụ việc vượt yêu cầu; nhân dân rất phấn khởi, hoan nghênh, đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số việc còn chậm tiến độ so với kế hoạch, vẫn là vướng ở khâu điều tra, giám định, thu hồi tài sản, rồi việc xác định tội danh, qua kiểm tra cho thấy cấp dưới chuyển chưa mạnh bằng cấp trên…

Tổng Bí thư hoan nghênh Thường trực Ban Chỉ đạo đã nhất trí cao và đưa ra danh mục những việc cần triển khai thực hiện một cách khẩn trương, tích cực, quyết liệt, hiệu quả hơn các vụ án, vụ việc đã đề ra, tập trung vào 5 nhóm vụ việc, có kế hoạch bài bản, toàn diện.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trước hết tập trung xét xử công minh vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank), tập trung làm cho bằng được, lần lượt đưa ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, đồng thời phải tích cực, quyết liệt hơn theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị.

Tổng Bí thư lưu ý, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn nữa, trao đổi rút kinh nghiệm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm.

Tổng Bí thư nhất trí về việc khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt; từng cơ quan cần nghiêm túc nhìn nhận lại những công việc đã làm để rút kinh nghiệm làm tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục