Hot dog

americancon-1606829433-50.jpg

Dù ăn theo cách nào, nướng hay luộc, với mù tạt, tương cà hay tương ớt, thì có một điều hầu như ai cũng đồng ý là xúc xích (hot-dog) đã trở thành một phần của nền văn hóa Mỹ.

Eric Mittenthal, chủ tịch của Hội đồng xúc xích quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Người Mỹ ăn khoảng 7 tỷ chiếc xúc xích trong khoảng thời gian giữa hai ngày Lễ Tưởng niệm (thứ Hai cuối cùng của tháng 5) và Lễ Lao động (thứ Hai đầu tiên của tháng 9).

Nhưng dù cho hot-dog có thể “rất Mỹ,” ban đầu chúng vốn xuất phát từ một đất nước khác.

Hành trình “nhập cảnh” vào Mỹ

Xúc xích (sausage) “nông thôn” do những nông dân Mỹ sống ở thế kỷ 19 chế biến đã từng được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Laura Ingalls Wilder. Món ăn này được mô tả như những viên thịt băm trộn gia vị, nặn thành hình tròn và để đông lạnh trên gác mái làm thực phẩm dự trữ trong suốt mùa Đông lạnh lẽo. Loại xúc xích này khác hẳn với xúc xích “hot dog” rất nổi tiếng hiện này.

Một người đàn ông và một người phụ nữ thưởng thức xúc xích tại một hội chợ California. (Nguồn: mprnews.org)
Một người đàn ông và một người phụ nữ thưởng thức xúc xích tại một hội chợ California. (Nguồn: mprnews.org)

Còn được gọi là Frankfurter, kiểu xúc xích có lớp vỏ bao ngoài với tên gọi “hot dog” này ban đầu được cho là đến từ thị trấn Frankfurt-am-Main của Đức. Nhưng các nhà nghiên cứu về lịch sử xúc xích cho rằng văn hóa xúc xích, vốn khởi nguồn từ Đông Âu, đặc biệt là nước Đức, không có một xuất xứ cụ thể từ vùng nào.

Món hot-dog truyền thống của Đức khi đến Mỹ có sự pha trộn giữa thịt lợn và thịt bò. Và món xúc xích toàn thịt bò hiện nay thực ra có nguồn gốc từ những người bán thịt người Mỹ gốc Do Thái, với tập quán ăn uống kiêng thịt lợn theo quy tắc Kosher.

Loại bánh mỳ dài, rạch bằng tay đã khiến món xúc xích trở nên khác hẳn với cách ăn của người Đức lúc đó.

Tiến sỹ Bruce Kraig, giáo sư danh dự tại đại học Roosevelt, Chicago, cho biết: “Một số lượng lớn người Đức đầu tiên tới từ Palatines, một khu vực xung quanh thành phố Frankfurt.” Theo Kraig, Frankfurt vẫn được cho là nguyên quán của món xúc xích dù sự thật chưa chắc đã đúng.

Được những người nhập cư Đức mang tới vào giữa những năm 1800, xúc xích bắt đầu tiếp cận những người Mỹ thức thời qua những chiếc xe bán hàng rong trên đường phố New York, trở thành ăn món ưa chuộng của những người Mỹ thích ăn bánh mỳ kẹp, những người luôn vội vã và thích ăn ngay khi đang di chuyển.

Theo Kraig, những người Đức nhập cư đầu tiên vào cuối những năm 1840 đã mang theo hình thức ẩm thực này. “Người Đức có văn hóa xúc xích, họ ăn xúc xích ở các cửa hàng bán thịt, ăn ở nhà, ăn ở trên đường phố tại các lễ hội và hội chợ, và các vườn bia. Bởi vậy khi người Đức tới Mỹ, họ lập tức lâp ra các vườn bia.”

Những chiếc xe và cửa hàng bán xúc xích trên đường phố thời trước. (Nguồn: mcny.org)
Những chiếc xe và cửa hàng bán xúc xích trên đường phố thời trước. (Nguồn: mcny.org)

Kraig cho biết người Mỹ bắt đầu mê mẩn với cách thức người Đức ăn xúc xích trên đường phố. “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy xúc xích bắt đầu được bán rong trên đường phố có thể là từ những năm 1840, nhưng chắc chắn là vào những năm 1860. Bất cứ nơi nào có người Đức thì sẽ có xúc xích được bán trên đường phố.”

Trên thực tế, nước Đức không nổi tiếng với một loại xúc xích cụ thể nào, mà là vì sự phong phú của chúng, từ xúc xích làm từ thịt bê và thịt gia cầm, cho đến xúc xích lợn băm nhỏ, hay xúc xích xông khói.

Xúc xích Đức phong phú đến mức người Mỹ chỉ thừa hưởng một trong những quy tắc ăn uống thông dụng nhất của món ăn này.

 Xe  bán xúc xích trên đường phố thời trước. (Nguồn: CNN)
 Xe  bán xúc xích trên đường phố thời trước. (Nguồn: CNN)

Tên gọi “hot dog” xuất phát từ đâu?

Thoạt đầu, vào khoảng cuối những năm 1800, xúc xích được gọi là “red hot” (nóng đỏ) – tên gọi hiện vẫn được sử dụng tại Maine và Detroit, vì sức nóng của chiếc vỉ dùng để nước chúng. Còn tên gọi “hotdog” (chó nóng), theo Kraig, chỉ bắt nguồn từ một trò đùa.

Theo Kraig, từ “hot dog” sớm nhất ông tìm thấy được là trên một tờ báo của New Jersey vào năm 1892, tuy nhiên cụm từ này có thể đã xuất hiện sớm hơn.

Vào những năm 1800, một ca khúc nổi tiếng của Septimus Winner đã bắt đầu bằng câu hát: ‘Where, Oh Where Has My Little Dog Gone?’ (ôi, chú chó nhỏ của tôi đâu mất rồi), được cho là ám chỉ một chú chó bị mất tích trong một tảng thịt dùng làm xúc xích. May mắn thay, những chiếc xúc xích chúng ta ăn ngày hôm nay không có con chó nào trong đó.

Đế chế kinh doanh của Charles Feltman trên đảo Coney. (Nguồn: theconeyislandblog.com,viewing.nyc)
Đế chế kinh doanh của Charles Feltman trên đảo Coney. (Nguồn: theconeyislandblog.com,viewing.nyc)

Đế chế 100 năm chỉ dựa trên xúc xích

Năm 1867, Charles Feltman, một thợ làm bánh lành nghề đến từ Brooklyn, bắt đầu bán xúc xích trên một chiếc xe đẩy vốn dùng để giao bánh ngọt trên đảo Coney. Michael Quinn, đồng sở hữu thương hiệu xúc xích Feltman đảo Coney, mà ông cùng anh trai mua lại vào năm 2015, cho biết: “Đảo Coney đã trở thành một đỉa điểm giải trí thu hút mọi người, nhưng vào thời điểm đó, nơi này không có gì cả.”

Charles Feltman đã sáng tạo nên loại bánh mỳ dài, rạch bằng tay, là “tổ tiên” của bánh mỳ xúc xích hiện đại, khiến món xúc xích trở nên khác hẳn với cách ăn của người Đức lúc đó.

Michael Quinn, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu lịch sử đảo Coney, cho biết, trong mùa Hè đầu tiên đó, Feltman bán được 4.000 chiếc xúc xích. Tuy nhiên, Feltman đặt mục tiêu cao hơn, ông hợp tác với các nhà hàng và khách sạn để mở một khu nghỉ mát rộng lớn trên đảo Coney vào năm 1873.

Bánh mỳ dài kẹp xúc xích đã trở thành một điều gì đó “rất New York,” bởi người dân nơi này rất thích vừa đi dạo vừa ăn.

“Cuối cùng, nó trở thành nhà hàng lớn nhất thế giới,” Michael Quinn cho biết.

Nhiều nguồn tài liệu lịch sử, bao gồm cả Dự án lịch sử đảo Coney, đã thừa nhận rằng vào những năm 1920, nhà hàng Ocean Pavilion của Feltman đã phục vụ khoảng 5 triệu khách hàng mỗi năm và bán được khoảng 40.000 chiếc xúc xích mỗi ngày.

Và đột nhiên, xúc xích được chú ý đặc biệt, và đảo Coney trở thành tâm điểm vui chơi mùa Hè cho những người sống tại New York và các vùng lân cận.

Cuộc thi ăn xúc xích Nathan. (Nguồn: wsoctv.com)
Cuộc thi ăn xúc xích Nathan. (Nguồn: wsoctv.com)

Vào năm 1875, Charles Feltman thuyết phục chủ tịch công ty Công viên Prospect và Đường sắt đảo Coney mở một tuyến đường sắt chạy tới đảo Coney, cung cấp phương tiện giao thông công cộng cho hàng nghìn người dân New York, những người trước đó chưa từng có điều kiện đi xa tới tận Brooklyn.

Mặc dù đế chế của Feltman dần suy giảm theo thời gian, nhưng ông đã vô tình đóng góp cho nước Mỹ thêm một biểu tượng vĩ đại khác của văn hóa xúc xích, khi thuê một người thợ rạch bánh mỳ mà sau này đã sáng lập nên một trong những thương hiệu xúc xích nổi tiếng nhất của nước Mỹ.

Micahel Quinn cho biết: “Hồi đó họ không có máy móc, bởi vậy gia đình Feltman đã thuê Nathan Handwerker về để chuyên làm công việc rạch bánh. Sao đó, vào năm 1916, Nathan đã tự lập nên một thương hiệu riêng của mình, là xúc xích Nathan, cạnh tranh với xúc xích Feltman.

Sau đó, người ta luôn gắn xúc xích Nathan với ngày 4/7, bởi đó là ngày diễn ra cuộc thi ăn xúc xích nổi tiếng của Nathan hàng năm.

Xúc xích đã tạo nên danh tiếng cho đảo Coney. Joe Quinn, anh trai của Michael Quinn và là đồng sở hữu thương hiệu xúc xích Feltman, cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi biết rằng Charles Feltman đã xây dựng nên một đế chế gần 100 năm chỉ dựa trên xúc xích.”

Hot dog vẫn luôn là món ăn đường phố được ưa chuộng tại Mỹ. (Nguồn: CNN)
Hot dog vẫn luôn là món ăn đường phố được ưa chuộng tại Mỹ. (Nguồn: CNN)

Vì sao xúc xích hấp dẫn đến thế?

Người dân New York thường cho rằng xúc xích là món ăn rất thích hợp khi di chuyển, cho nên nó đặc biệt phù hợp với thành phố này.

Theo Michael Quinn, bánh mỳ dài kẹp xúc xích đã trở thành một điều gì đó “rất New York,” bởi người dân nơi này rất thích vừa đi dạo vừa ăn.

Tuy nhiên vào thế kỷ 19, New York không phải là nơi duy nhất bán món xúc xích bởi người Đức đi đến đâu, xúc xích đi đến đó. Những người nhập cư Đức đã mang món xúc xích yêu thích của mình đến các thành phố khác nhau của nước Mỹ như Detroit, Milwaukee, và sau đó là Los Angeles.

Eric Mittenthal cho biết: “Những chiếc xe xúc xích đã được phổ biến trên khắp nước Mỹ khi những người nhập cư tỏa đi nhiều vùng khác nhau. Bánh mỳ xúc xích kiểu Chicago được duy trì trong thời kỳ suy thoái, khi những người bán hàng cung cấp nhiều loại sốt phủ rưới lên bề mặt xúc xích, dù Chicago không phải là nơi duy nhất thực hiện phương thức này.”

Trong khi sốt phủ là yếu tố giúp phân biệt xúc xích ở từng vùng, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là tính kinh tế của món ăn này. Xúc xích là một món ăn rất tiện lợi. Nó luôn ngon, đủ chất và rẻ, dù được bán ở bất cứ nơi nào. Đó là điều khiến xúc xích luôn hấp dẫn mọi người, bất kể bạn đang ở đâu.

Thậm chí hiện tại, những người ăn chay cũng có thể thưởng thức món xúc xích chay được bán tại các cửa hàng tiện lợi, khiến cho món ăn kinh điển này ngày càng trở nên phổ biến đối với người dân Mỹ.

(Theo CNN)

(Nguồn: eatthis.com)
(Nguồn: eatthis.com)