'Hột vịt' Ba Huân hiểu lầm ngôn ngữ: Hợp đồng không dựa trên cảm xúc

Sự “ồn ào” vượt cấp như vụ việc của "Ba Huân" có thể thành tiền lệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có thể gây ra những ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như môi trường đầu tư trong nước.
'Hột vịt' Ba Huân hiểu lầm ngôn ngữ: Hợp đồng không dựa trên cảm xúc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sự việc tranh chấp kinh tế giữa Công ty cổ phần Ba Huân và Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý bỗng chốc “nổi như cồn,” sau công bố của Công ty Ba Huân, rằng họ đã có văn bản gửi Thủ tướng nhờ hỗ trợ bảo vệ quyền lợi trong quá trình chấm dứt hợp tác với VinaCapital.

Lý do được Công ty này đưa ra, bởi thỏa thuận ban đầu ký kết giữa hai bên sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và khi được chuyển sang tiếng Việt đã có một số nội dung không như trao đổi.


Tan vỡ từ… hiểu lầm

Cụ thể, Công ty Ba Huân tố VinaCapital tự đưa vào thỏa thuận những điều kiện quá cao, như tỷ suất hoàn vốn đầu tư lên tới 22%/năm hay về quy định hạn chế ngành nghề kinh doanh của họ hoặc sự tham gia của VinaCapital vào các nội dung trong nghị quyết của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.

Ngay sau đó, công luận cũng nhận được sự phản hồi từ phía VinaCapital, thông báo do một số “hiểu lầm”, Quỹ này quyết định dừng đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận kết thúc thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD mà trước đó trong tháng Hai, Vietnam Opportunity Fund đã gửi thông báo lên Sở Giao dịch Chứng khoán London.

Vấn đề “lạc nhịp” trong ngôn ngữ dẫn đến những tranh chấp thương mại, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu là có thể xảy ra. Bởi, kinh tế Việt Nam đang bước vào kinh tế thị trường nên nhiều từ chuyên ngành trong kinh tế khi chuyển tiếng Anh khi chuyển sang tiếng Việt không thể hiện hết hoặc đúng về nội dung.

Do đó, “các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp tác đầu tư hay hợp đồng kinh tế phải rất cẩn thận và thấu đáo,” ông Hiếu nói.

Không thể tự bảo vệ… luật pháp cũng “bó tay”

Tuy nhiên, sau sự việc lình xình ở trên, không ít chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại những việc “ồn ào” vượt cấp như thế này có thể thành tiền lệ khi mà bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, việc làm này còn gây ra những ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường đầu tư trong nước.

Theo Báo cáo từ Tổng cục thống kê, cụ thể trong năm 2017, cả nước có 5.002 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn đạt 6,2 tỷ USD và tăng 45,1% so với năm 2016. Theo đó, 7 tháng của năm 2018, khối ngoại đã thực hiện 3.311 số lượt góp vốn và mua cổ, giá trị đạt 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Nền kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực và ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt đã thúc đầu tư nước ngoài gián tiếp tăng nhanh trong các năm gần đây và dòng vốn đang đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước.

Do đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tranh chấp giữa các pháp nhân nên tự giải quyết theo hình luật, “trong môi trường đầu tư quốc tế, trừ các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường, an sinh xã hội…, với những vấn đề khác như tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp không nên vội vã yêu cầu Thủ tướng can thiệp, điều này có thể tạo ra những ưu thế cạnh tranh khác nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.”

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn chia sẻ quan điểm, “đất nước đã tham gia hội nhập quốc tế, nên doanh nghiệp không có con đường nào khác – để bảo vệ chính mình phải thực hiện chặt chẽ trong các hợp đồng. Khi tranh chấp xảy ra, toà án sẽ căn cứ vào hợp đồng ký kết để xử lý chứ không căn cứ vào cảm xúc, tình cảm hay ý kiến của bất kỳ ai.”

Về những điều đáng tiếc đã xảy ra đối với các doanh nghiệp trong nước trong quá trình gọi vốn quốc tế, ông Hiếu cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam trước khi ký các thỏa thuận cần phải đầu tư, xem xét kỹ lưỡng các điều khoản đồng thời phải thấu hiểu quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình theo cam kết.

“Với những quan niệm kinh doanh không nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp cho rằng cứ ký hợp đồng và sẵn sàng chấp nhận các điều khoản, sau đó quá trình thực hiện sẽ đàm phán tiếp, theo kiểu cứ có tiền hãy tính tiếp…,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Về tính pháp lý, chuyên gia tư vấn luật quốc tế - ông Đào Huy Giám chia sẻ, các bên khi ký kết hợp đồng nên xem xét kỹ các điều kiện đầu tư cũng như quyền lợi và nghĩa vụ. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp cũng cần có các quy định rõ về tổ chức thực hiện xét xử, nguồn lực, trình tự thủ tục thậm chí cả ngôn ngữ sử dụng. Đối với từng chuyên ngành kinh tế, doanh nghiệp nên sử dụng hợp đồng mẫu từ các quốc gia phát triển để theo thông lệ quốc tế.

“Các doanh nghiệp vì quyền lợi trước mắt, ký kết các hợp đồng đầu tư ngoài tầm với thì tỷ lệ thất bại khi tranh chấp là rất cao. Phải hiểu rằng ngay cả hệ thống pháp lý của các nước phát triển cũng không thể bảo vệ cho những người không biết bảo vệ quyền lợi của chính mình,” ông Giám nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục