HSBC dự báo kinh tế tăng trưởng chậm, cầu nội địa vẫn yếu

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam từ Ngân hàng HSBC dự báo nền sản xuất trong nước vẫn khó khăn với mức tăng trưởng chậm.

Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố ngày 4/3, Ngân hàng HSBC dự báo nền sản xuất trong nước vẫn khó khăn với mức tăng trưởng chậm.

Cầu nội địa yếu

Theo HSBC, việc chỉ số GDP quý IV/2013 chỉ tăng (từ mức 5,5% của quý III) lên 6% so với cùng kỳ năm ngoái, vấn đề nợ xấu lớn vẫn còn đang treo lơ lửng và tốc độ cải cách hệ thống tài chính chậm chạp sẽ dẫn đến sự cách biệt sản lượng (giữa tiềm năng và thực tế) vẫn ở mức âm trong năm 2015 với lao động và vốn hoạt động thấp hơn năng suất trong một thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, dù chỉ số CPI toàn phần đã giảm từ mức 5,5% xuống còn 4,6%, mức thấp trong năm năm qua, nhưng HSBC cho rằng mức giảm sút này là do nhu cầu nội địa khá yếu ớt.

HSBC dự báo, chỉ số lạm phát của Việt Nam năm 2014 sẽ giảm từ mức 7,3% xuống còn 6,5% đồng thời kỳ vọng lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và xăng dầu) sẽ giảm thêm khi nền kinh tế tiếp tục hoạt động dưới mức khuynh hướng.

“Lạm phát cơ bản, lạm phát giá thực phẩm và lạm phát toàn phần sẽ từ từ hội tụ làm giảm áp lực giá cả.

Với áp lực lạm phát thấp hơn, ngân hàng nhà nước có thể giữ lãi suất ổn định lâu hơn. Lãi suất OMO kỳ vọng sẽ giữ ổn định ở mức 5,5% trong năm 2014,” theo HSBC.

Thương mại hồi phục

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng xuất hiện điểm sáng từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu.

HSBC chỉ dẫn, trong hai tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đã tăng 12,3% mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc giảm sút và khí hậu lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống.

Các chuyên gia kinh tế HSBC đưa ra kỳ vọng, tăng trưởng của Mỹ sẽ mạnh hơn trong năm 2014 so với năm 2013 và một tin tốt lành khác đến từ khu vực Đồng tiền chung châu Âu cũng đã thúc đẩy nhu cầu hàng hóa trong những tháng tới. Trong khi nhu cầu của Trung Quốc có thể chậm lại, thì các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam chính sẽ là châu Âu và Mỹ.

Song HSBC cũng khuyến cáo, mặc dù xuất khẩu các mặt hàng sản xuất chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn, nhưng giá cả hàng hóa cũng là vấn đề đối với giá trị hàng xuất khẩu.

“Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã mất giá trị trong hai năm gần đây, như dầu thô, gạo, cao su, than, trà và cà phê đều có tăng trưởng âm,” HSBC dẫn chứng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục