HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế VN còn 5,1%

Theo HSBC, việc thắt chặt tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng thấp đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh tế trong nước.
Ngày 4/6, Khối nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC đã công bố bản báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 6/2013 với tiêu đề "Tái lập trật tự nền kinh tế".

Theo báo cáo này, HSBC điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2013 của Việt Nam từ mức 5,5% trước đây xuống còn 5,1%.

Theo lý giải của HSBC, hoạt động kinh tế Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu nội địa yếu kém. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 5 quay trở lại ngưỡng giảm sút (dưới 50 điểm) do hoạt động uể oải trong nước trì kéo. Những số liệu về bán lẻ, lạm phát và thương mại cũng đang đồng hành quá trình đi xuống.

"Việc thắt chặt tiêu dùng cộng với tăng trưởng tín dụng thấp đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động trong nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay đã đạt 5,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ 2012 - sẽ bù đắp phần nào cho hoạt động đầu tư trong nước, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để hỗ trợ nền kinh tệ đạt được mức tăng trưởng 7% trước đây," báo cáo của HSBC phân tích.

Đánh giá về lạm phát, HSBC cho biết, lạm phát toàn phần tiếp tục giảm nhờ vào giá thực phẩm yếu hơn và giá cả một số mặt hàng cơ bản cũng giảm từ mức 6,6% trong tháng 4 xuống còn 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát thực phẩm đã giảm từ mức 1,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,5% trong tháng 5. Giá thực phẩm đã giảm liên tục trong ba tháng qua phản ánh nguồn cung thừa trong khi nhu cầu lại yếu kém.

"Chúng tôi kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới nhờ vào việc Ngân hàng Nhà nước vừa cắt giảm một loạt các mức lãi suất và dự báo lạm phát cả năm 2013 sẽ khoảng 5,8%," HSBC nhận định.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, đa phần tình trạng bất ổn kinh tế gần đây của Việt Nam bắt nguồn từ quá trình tự do tín dụng của khu vực nhà nước trong thập kỷ trước và lĩnh vực tài chính non trẻ bị gánh nặng nợ xấu dồn ép.

Vì vậy, việc phê chuẩn thành lập Công ty quản lý Tài sản (VAMC) vào ngày 22/5/2013 để mua lại các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng của Chính phủ để cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Trong khi nguồn vốn giới hạn của Công ty Quản lý Tài sản đang gây ra nhiều mối lo ngại về tính hiệu quả của công ty này thì việc thành lập công ty lại là một tín hiệu quan trọng cho thị trường về việc Chính phủ đang rất nghiêm túc với quá trình cải tổ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh: "Các điều kiện kinh tế tổng hợp của Việt Nam vẫn còn yếu nhưng dường như vẫn có tiến triển. Chúng tôi không kỳ vọng nền kinh tế quay lại mức tăng trưởng trước đây nếu những thách thức cơ bản đối với nền kinh tế không được giải quyết."

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục