Huế giao hơn 44.000 hecta đất rừng nghèo cho dân

Các địa phương trong vùng được giao đất chủ động cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang áp dụng biện pháp khoanh nuôi.
Từ nay đến năm 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiến hành giao 44.418ha rừng tự nhiên thuộc diện rừng nghèo cho các hộ, nhóm hộ hoặc cộng đồng dân cư quản lý, phát triển sản xuất.

Các địa phương trong vùng được giao đất chủ động cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang áp dụng biện pháp khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, đồng thời nuôi trồng các loại cây con phù hợp nhằm khai thác tốt tài nguyên đất rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và cải thiện môi trường.

Huyện miền núi A Lưới đến thời điểm này đã giao được 15.690ha đất dưới tán rừng nghèo kiệt cho người dân quản lý, sử dụng. Được Tổ chức WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) hỗ trợ, đến nay, A Lưới đã trồng thành công 200ha mây nước và phấn đấu trồng 1.000ha vào năm 2015 dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Ngoài ra, thông qua sự hỗ trợ của Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mekong, A Lưới sẽ trồng 50ha mây nước. Hiện tại, các vườn ươm ở A Lưới đã chuẩn bị ươm được trên 55.000 cây giống để trồng trong năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới Hồ Xuân Trăng cho biết đặc điểm của cây mây nước là ổn định lâu dài, bền vững, cho thu hoạch nhiều lần sau từ 4-5 năm trồng nếu biết khai thác hợp lý. Diện tích trồng mây nước chủ yếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, kể cả vùng rừng nghèo kiệt; trồng được trên cả diện tích bao quanh nương rẫy, vườn của đồng bào, là những diện tích vốn đang rất giàu tiềm năng để khai thác ở A Lưới.

Việc hình thành vùng nguyên liệu mây ở đây sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các làng nghề mây tre đan; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động; tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở A Lưới.

Bên cạnh đó, A Lưới còn phát triển nghề nuôi ong dưới tán rừng tự nhiên do cây trồng đa dạng, cho hoa nhiều mùa, nên thời gian nuôi trong năm có thể kéo dài và cho chất lượng mật tốt. Từ 16 hộ nuôi ban đầu, đến nay A Lưới đã phát triển lên hơn 100 hộ nuôi với số lượng 239 thùng nuôi. Kết quả cho thấy, các hộ nuôi ong đều có lãi do việc chăm sóc ong đơn giản, chủ yếu sử dụng lao động nhàn rỗi và chi phí công không đáng kể. Bình quân đạt 2,7 lít/đàn trong một lần thu hoạch; như vậy, chỉ sau 3-4 lần thu hoạch, các hộ có thể thu hồi số vốn đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, người dân rất cần được hỗ trợ kinh nghiệm về tạo ong chúa và tách đàn để từng bước mở rộng quy mô đàn ong ngay trong từng hộ./.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục