Huế thành đô thị trung tâm sau 35 năm giải phóng

35 năm sau giải phóng, thành phố Huế có nhiều tiến bộ trong quy hoạch đô thị, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc cảnh quan thiên nhiên.
35 năm sau giải phóng, thành phố Huế đã có nhiều tiến bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc cảnh quan thiên nhiên và quần thể di tích cố đô.

Nói về thành tựu sau 35 năm giải phóng, ông Nguyễn Huy Ngọc, từng là chiến sĩ biệt động thành Huế và nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, khái quát: "Trước kia tôi cứ ngỡ Huế "loay hoay" còn lâu mới thành một đô thị hiện đại bởi khó thoát ra khỏi lối kiến trúc quanh quẩn kiểu nhà vườn và vướng vào chuyện bị khống chế chiều cao các công trình xây trong thành nội không được phép vượt quá 12m (tức là quá chiều cao của công trình Hiển Lâm Các-Đại Nội, Huế). Nay, thành phố Huế đã có sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng đô thị, gây bất ngờ cho nhiều người lâu ngày mới có dịp trở lại vùng đất này."

Những năm qua, để trở thành đô thị trung tâm, thành phố Huế đã có nhiều tiến bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc cảnh quan thiên nhiên và quần thể di tích cố đô Huế vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Riêng năm 2009, tổng nguồn vốn đã đầu tư cho công tác này của thành phố đạt khoảng 49 tỷ đồng, thực hiện hàng chục dự án quy hoạch chi tiết trong đó đặc biệt tính toán đến sự hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Phan Trọng Vinh cho biết Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong một vài năm tới.

Các đồ án quy hoạch như đường Lý Thường Kiệt-Đống Đa, Chi Lăng, khu dân cư phía bắc thành phố, quy hoạch thiết kế một số khu vực cảnh quan như Đàn Nam Giao và vùng phụ cận, cảnh quan đôi bờ sông Hương... đã làm thay đổi diện mạo đô thị, phù hợp với xu thế phát triển.

Việc giải tỏa 122 hộ dân sống dọc sông Ngự Hà, thuộc hai phường Thuận Hòa, Tây Lộc để tiến hành nạo vét con sông này được thực hiện sớm hơn dự kiến 1 năm. Sắp tới, thành phố Huế sẽ tiếp tục đầu tư 56 tỷ đồng để nạo vét 3,39km theo chiều dài con sông Ngự Hà, dọc hai bên bờ sẽ đầu tư xây dựng lề đường, điện chiếu sáng, đường giao thông, công trình thoát nước và cây xanh; đồng thời phục hồi lại bốn bến thuyền dọc sông Ngự Hà để phục vụ phát triển du lịch...

Đối với vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, thành phố Huế đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện giai đoạn 1 dự án tu bổ tôn tạo thượng thành Đại Nội Huế.

Đến nay, thành phố Huế đã đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư tại phường Phú Hậu, Hương Sơ 1, Hương Sơ 2 và Phú Mậu để bố trí tái định cư cho gần 500 hộ dân vạn đò sống trên các con sông được lên bờ định cư.

Đối với khu chung cư, thành phố hỗ trợ giảm 15% giá tiền mua căn hộ, phần còn lại được trả góp trong vòng 30 năm, nhưng không tính lãi trong 10 năm đầu. Trường hợp các hộ dân nhận đất để tự xây dựng nhà thì được thành phố hỗ trợ 15 triệu đồng, nhưng phải phải làm đúng mẫu nhà theo thiết kế quy định. Ngoài ra, người dân vạn đò sẽ được hỗ trợ phí di chuyển đến nơi ở mới.

Năm 2010 và những năm tiếp theo, thành phố Huế tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước mặt thành phố Huế, nạo vét các sông hồ trên địa bàn; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố từ nguồn vốn ODA.

Thành phố tập trung vào các dự án giải tỏa chỉnh trang và xây kè chống sạt lở các sông trên địa bàn thành phố, xây dựng các tuyến du lịch mới, hoàn chỉnh các tuyến du lịch nhà vườn...

Thành phố cũng chú trọng đầu tư phát triển, hoàn thiện các trung tâm thương mại ở đường Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương-Hà Nội, Bến Nghé, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão... Thành phố Huế cũng phấn đấu trong năm nay thu hút 1,5 triêu khách du lịch, với mức doanh thu tăng 20% so với năm trước.

Từ một đô thị kém phát triển, 35 năm sau chiến tranh, thành phố Huế đã có những bước phát triển mới. Các thiết chế văn hóa được hình thành để Huế trở thành một trung tâm du lịch, văn hóa, và y tế chuyên sâu của miền Trung, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Năm 2009, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GDP 12,8%; tổng thu ngân sách của toàn thành phố đạt 374 tỷ đồng.

Năm 2010, thành phố phấn đấu đạt các chỉ tiêu tương ứng là GDP đạt 13% và thu ngân sách vượt 400 tỷ đồng; trong đó GDP trên đầu người là 1.300 USD./.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục