Huế xây dựng tuyến đường đi bộ lát gỗ lim phía nam sông Hương

Để hình thành con đường này, đơn vị thi công tiến hành đóng cọc bêtông xuống sông Hương, sau đó đổ dầm bêtông, lòng đường đi bộ được lát sàn bằng gỗ lim.
Huế xây dựng tuyến đường đi bộ lát gỗ lim phía nam sông Hương ảnh 1Đêm bên sông Hương quyến rũ du khách thập phương. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên​-Huế) cho biết, các đơn vị thi công đang triển khai xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương thuộc dự án "Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương" do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Theo Ban Quản lý dự án, tuyến đường đi bộ bờ Nam ven sông Hương trong dự án nói trên dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (đoạn gần cầu Trường Tiền) đến công viên Lý Tự Trọng (trước mặt Bệnh viện Trung ương Huế).

Hiện Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế (đơn vị trúng thầu) đang triển khai thi công việc đóng cọc để thực hiện dự án.

Để hình thành con đường này, đơn vị thi công tiến hành đóng cọc bêtông xuống sông Hương, sau đó đổ dầm bêtông, lòng đường đi bộ được lát sàn bằng gỗ lim. Sàn bêtông cốt thép dày hơn 20cm, sàn gỗ lim dày 4cm và có hệ thống khung xương inox để kết nối.

Lan can của con đường được làm bằng đồng thau với độ cao hơn 1,4m; kết hợp với hệ thống tay vịn bằng gỗ…

Đường đi bộ sẽ chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường nhỏ tổ chức sự kiện.

Những đường dốc, kiốt, bồn hoa, trên đường đi bộ có kiến trúc nhẹ nhàng, thiết kế đơn giản bằng vật liệu gỗ phù hợp, tạo điểm nhấn cho bờ sông, phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh.

[Di sản Huế tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút khách]

Về vấn đề có nhiều ý kiến xung quanh việc lát gỗ lim ở đường đi bộ, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế cho biết, trước khi thi công, thành phố đã tổ chức công khai quy hoạch và lấy ý kiến về dự án đường đi bộ lát sàn gỗ lim và thu nhận nhiều ý kiến đóng góp; trong đó, tỉ lệ đồng thuận là 90,62%.

Sau khi tham khảo và cân nhắc trên nhiều phương diện, tỉnh Thừa Thiên​-Huế quyết định cho phép thành phố triển khai thức hiện.

Ban Quản lý dự án KOICA cho biết, việc sử dụng gỗ lim lát sàn đường đi bộ phù hợp với cảnh quan thiên nhiên bờ sông Hương và điều kiện khí hậu của thành phố Huế.

Bởi đây là vật liệu tự nhiên dễ gia công, không bị mối mọt, không bị biến dạng trong khí hậu nóng ẩm, chịu lực tốt.

Phía Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (đơn vị tài trợ) cũng thống nhất theo phương án lát gỗ lim.

Trước đó, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã nghiên cứu kỹ và đưa ra nhiều phương án về vật liệu lát sàn như đá Granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam (Awood WPC), gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc (Wood plastic comphsites) và gỗ lim nhập khẩu từ nước ngoài.

Dự án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ không hoàn lại 6 triệu USD để thực hiện.

Theo đó, dự án sẽ quy hoạch hai bờ sông Hương dài khoảng 15km, bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, với mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch.

Đáng chú ý, KOICA đã có ý tưởng đề xuất những nội dung chính về thiết kế dự án thí điểm xây dựng cầu đi bộ dọc bờ Nam sông Hương dài 380m, với chi phí hơn 60 tỷ đồng; trong đó riêng chi phí để lát gỗ lim tuyến đường này là 5,73 tỷ đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục