Hung thủ không nhận tội

Hung thủ tấn công kép ở Na Uy sẽ không nhận tội

Luật sư của Breivik cho biết người này sẽ không nhận tội, dù trước đó đã nói với luật sư rằng "đó là điều kinh khủng nhưng cần thiết."

Người đàn ông bị cáo buộc đã gây ra vụ tấn công kép giết hại 93 người tại Na Uy cho biết hắn sẽ không nhận tội khi ra trước tòa vào ngày 25/7, luật sư của anh ta cho biết.

Trước đó, Anders Behring Breivik đã thừa nhận mình là kẻ gây ra vụ đánh bom ở trung tâm Oslo và xả súng ở trại hè thanh thiếu niên ở đảo Utoeya, nhưng đã phủ nhận trách nhiệm về những tội ác mà mình gây ra. Người này cho biết muốn bắt đầu một cuộc cách mạng trong xã hội Na Uy để tiêu diệt chính sách di dân tự do cũng như sự mở rộng của đạo Hồi.

“Anh ta biết vụ tấn công là khủng khiếp, nhưng trong đầu anh ta nghĩ rằng đó là điều cần thiết,” luật sư của Breivik, Geir Lippes phát biểu trên đài truyền hình Na Uy NRK.

Cho dù Breivik nói với các nhân viên điều tra rằng anh ta hành động một mình, song cảnh sát Na Uy vẫn đang điều tra xem thủ phạm có nhận được sự giúp sức trong cuộc tấn công hay không. Cảnh sát trưởng Oslo Sveinung Sponheim nói rằng cơ quan điều tra đang tập trung vào lời một vài nhân chứng ở trên đảo nói rằng “có nhiều hơn một tay súng.”

“Hiện chúng tôi cần làm rõ là Breivik đã hành động một mình hay không,” ông này cho biết. Cảnh sát chống khủng bố đã bố ráp một căn hộ do Breivik sở hữu ở phía đông Oslo vào ngày 24/7 và bắt giữ 6 người. Nhưng sau đó họ đều được thả.

Còn về thông tin nói rằng Breivik có thể đã liên hệ với các nhóm cực hữu ở Anh, nhà chức trách Na Uy nói rằng họ đang điều tra xem có phải người này đã đi sang London để lập kế hoạch hay không.

Một nguồn tin an ninh châu Âu khẳng định họ đang điều tra cáo buộc rằng Breivik cùng một số phần tử cực hữu khác đã tham dự một buổi lễ tuyên thệ của nhóm cực hữu Knights Templar ở London năm 2002.

Các phần tử thuộc nhóm này đã có nhiều cuộc thảo luận trên mạng trong thời gian qua, và ngay trước khi gây ra cuộc tấn công, Breivik đã tung lên mạng một bản tuyên ngôn dài tới 1.500 trang.

Căn cứ vào những tài liệu trên thì có thể Breivik đã lên kế hoạch cho vụ tấn công từ năm 2009. Trong bản tuyên ngôn này, Breivik nhấn mạnh rằng anh ta không hề bị các cơ quan an ninh “phất cờ” về những hành vi có thể gây nghi ngờ.


Gia đình các nạn nhân của vụ xả súng đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng (AFP)

Trước đó, cơ quan an ninh Na Uy đã không coi Breivik là một mối đe dọa, khi anh ta không có tên trong bất cứ một danh sách cần giám sát nào cả. Hồ sơ tiền sự của anh ra chỉ có duy nhất một vụ việc liên quan đến va chạm giao thông cách đây 10 năm.

Cha của Breivik, ông Jens nói rằng ông chỉ biết tin về con trai sau khi đọc báo trên mạng. “Tôi vào mạng nhìn thấy ảnh của nó và thật sự bị sốc,” ông Jens nói với tờ VG. Theo Reuters thì ông Jens, khoảng trên 70, đang sống ở Pháp và không hề có liên hệ gì với con trai kể từ năm 1995.

Một câu hỏi khác cần trả lời là tại sao cơ quan an ninh mất tới một giờ đồng hồ mới có thể chặn đứng vụ thảm sát sau khi có những thông báo đầu tiên.

Cảnh sát trưởng của hạt Buskerud, chịu trách nhiệm cho khu vực đảo Utoeya, cho biết khi mọi người đã lên thuyền thì động cơ không hoạt động, nên phải chờ đợi lực lượng đặc biệt tới từ Oslo, nằm cách đó 45km.

Ngày 24/7 cũng đã xuất hiện thông tin nói rằng trên đảo cũng có một nhân viên bảo vệ, song người này đã bị bắn chết./.

Theo những thông tin mới nhất thì số người bị chết sau hai vụ tấn công đã lên tới 93 người. Theo cơ quan điều tra, sau khi gây ra vụ nổ bom ở trung tâm Oslo khiến 7 người thiệt mạng, Breivik đã ra đảo Utoeya và xả súng giết hại ít nhất 86 người.

Các bác sĩ pháp y cho biết thủ phạm của vụ xả súng đã sử dụng một loại đạn mà khi găm vào cơ thể, nó sẽ gây ra những nội thương nghiêm trọng hơn, đẩy nhanh quá trình phân hủy. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục