Hưng Yên: Chống ùn tắc giao thông trên QL5, QL39

Hưng Yên đang triển khai 10 phương án phòng chống ùn tắc trên QL5 và QL39 nhằm đảm bảo giao thông thông suốt mọi tình huống.
Tỉnh Hưng Yên đang triển khai 10 phương án phòng chống ùn tắc trên quốc lộ 5 và quốc lộ 39. Đây được coi là những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra.

Quốc lộ 5 qua Hưng Yên với chiều dài 23 km có 11 điểm giao cắt đường đồng cấp. Lượng xe lưu thông hiện nay quá tải gấp 7 lần so với thiết kế ban đầu, với mức gần 54.000 lượt/ngày đêm. Mức quá tải này luôn tiềm ẩn tình trạng ùn tắc giao thông khi có tai nạn hoặc sự cố phương tiện.

Trước tình trạng trên, Đội Cảnh sát giao thông số 1 Công an tỉnh Hưng Yên đã xây dựng 3 phương án chống ùn tắc và cách khắc phục trên quốc lộ 5; trong đó có 2 phương án chống ùn tắc xảy ra cả hai chiều đường với đoạn Phố Nối (Mỹ Hào) đến thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) và từ Phố Nối đến Quán Gỏi (Hải Dương).

Phương án còn lại là chống ùn tắc trên một chiều đường trên toàn tuyến đi Hà Nội - Hải Dương và ngược lại. Trọng tâm của phương án là không để các phương tiện bên ách tắc quay đầu sang chiều đường đang lưu thông nhằm tránh ách tắc chiều còn lại. Để thực hiện các phương án này, lực lượng cảnh sát luôn được bố trí để làm nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn các phương tiện qua lại.

Với quốc lộ 39 có chiều dài trên 43km chạy từ ngã tư Phố Nối qua thành phố Hưng Yên có 10 điểm giao cắt đồng cấp, mật độ phương tiện hiện tăng trên 13 nghìn lượt/ngày đêm, vượt gấp nhiều lần thiết kế. Đội Cảnh sát giao thông số 2 Công an tỉnh Hưng Yên đã xây dựng 7 phương án chống ùn tắc; trong đó, coi trọng việc bố trí lực lượng phân luồng tại các điểm nút có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông như: ngã tư Phố Nối, ngã năm Cầu Treo, ngã ba Trương Xá và các ngã tư Lương Bằng, Chợ Gạo, Triều Dương...

Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương giải quyết ùn tắc giao thông theo phương châm "lấy phòng ngừa là chính", kịp thời phát hiện và xử lý nhanh các hiện tượng, vụ việc có thể gây ách tắc giao thông. Khi các sự cố xảy ra, có phương án huy động lực lượng phương tiện tại chỗ để giải quyết, kết hợp đồng thời giữa giải toả ùn tắc và phân luồng, giảm lưu lượng xe bị tắc đường để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến./.

Mai Ngoan (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục