Nhiều lao động ở các vùng quê Ninh Bình xem xuất khẩu lao động là con đường giúp mang lại hy vọng đổi đời, nên có nhiều người đã xuất ngoại. Thực tế cũng đã có không ít người tích lũy được số vốn nhất định, trở về mở hướng làm ăn, thoát được nghèo.
Tuy nhiên, với những lao động đi Libya, việc phải về nước trước thời hạn thì xem như giấc mơ đổi đời đã bị mất. Hơn thế, việc thêm món nợ lớn đã đẩy họ vào tình cảnh hết sức khó khăn. Sau hơn 3 tháng kể từ ngày trở về, nhiều người vẫn đang loay hoay với việc tìm con đường mưu sinh, kiếm tiền trả nợ…
"Từ quan" xuất ngoại
Đã có hơn 10 năm làm Bí thư chi bộ xóm 4, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, nhưng anh Nguyễn Viết Xuân đã bỏ cả chức “quan xóm” để xuất ngoại. Anh Xuân cho biết trước đây gia đình anh cũng từng vay vốn đầu tư xây dựng một khu trang trại nuôi gần 60 con lợn thịt và lợn sinh sản. Tuy nhiên, tiền cám đầu tư cho lợn ăn khá lớn, phải mua chịu tính lãi suất, đến khi lợn xuất chuồng tính ra không có lãi, cộng thêm dịch bệnh đã khiến anh cụt vốn và đành phải bỏ nghề chăn nuôi.
Ở vùng chiêm trũng quê anh, người dân chủ yếu sống bám vào cây lúa, nhưng mỗi khẩu chỉ có hơn một sào ruộng cấy, nên các gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống gia đình và chăm lo con cái học hành...
Do đó, cứ hết mùa cấy, mùa gặt, mọi người ở làng quê nghèo lại xoay xở làm đủ nghề, lên thành phố chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt ở chợ, làm công nhân may… nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ phụ giúp thêm chi tiêu cho gia đình. Nên dù phải vay nợ tất cả chi phí cho chuyến đi lên tới 30-40 triệu đồng họ vẫn chấp nhận vay nợ...
Cùng chung cảnh “thất cơ lỡ vận” và phải chịu cảnh nợ nần, khó khăn, anh Nguyễn Văn Phương ở phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình buồn rầu cho biết: "Ở nông thôn dù còn ít ruộng, nhưng nông dân vẫn có mảnh đất cắm dùi, mình ở thành phố chẳng biết bấu víu vào cái gì ngoài đôi bàn tay và sức lao động. Ở tuổi ngũ tuần nhưng mình vẫn phải xin đi xuất khẩu lao động, bởi đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng không đủ lo cho hai con theo học và chi tiêu của gia đình trong thời bão giá hiện nay. Nhưng mọi sự không thuận lợi, mới làm chưa được một năm đã phải về nước, tạm thời mình phải xin vào làm công nhật cho xí nghiệp ôtô với 80.000 đồng/ngày, cũng chỉ đủ tiền ăn cho cả gia đình trong ngày. Cứ đà này đến cuối năm nay đáo hạn ngân hàng thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ…"
Trao đổi với phóng viên, hầu hết các lao động trở về từ Libya đều có chung ý kiến là mong muốn nhất là Nhà nước sớm hỗ trợ khoanh nợ cũ; đồng thời tạo điều kiện cho lao động Libya tiếp tục được vay vốn để làm ăn, đi tái xuất sang một nước khác...
Nhiều hướng đi, nhưng khó chọn
Các lao động trở về từ Libya đã được Chính phủ và tỉnh giúp đỡ. Ngay khi các lao động về đến địa phương, các ban, ngành của tỉnh đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên và quyết định hỗ trợ ban đầu cho mỗi lao động 3 triệu đồng. Tiếp đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát, thu thập thông tin nhu cầu việc làm của các lao động.
Các phương án giúp đỡ như kêu gọi và phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện thu nhận các lao động vào làm việc; ưu tiên cho các lao động được học nghề và nếu có nhu cầu tái xuất cũng sẽ tạo điều kiện…
Ở các huyện, thị xã, thành phố còn đặt vấn đề ưu tiên giúp đỡ những lao động trở về từ Libya là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Vậy tại sao, kể từ ngày về nước đến nay, các lao động trở về từ Libya vẫn đang phải loay hoay tìm việc?
Anh Nguyễn Văn Phương ở phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) cho biết phường đã thông báo về chính sách ưu tiên tuyển dụng của các công ty, tuy nhiên với các điều kiện và chế độ lương nhà tuyển dụng đưa ra, các lao động như họ lại rất khó lựa chọn. Bởi đối với lao động phổ thông, các công ty chỉ trả chưa đến 2 triệu đồng/tháng, trong khi phải xa nhà vào tận miền Nam làm việc.
Do các lao động thấy không phù hợp, nên dù chưa có việc làm, nhưng số lao động đăng ký vào làm rất ít. Đối với việc học nghề và cho tái xuất sang nước khác, nhiều lao động cho biết đối với chủ trương này, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không nhận được sự giúp sức tích cực từ phía các cơ quan Nhà nước.
Anh Nguyễn Văn Hà, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho hay: "Được biết Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho chúng tôi tái xuất sang một nước khác, những người đi cùng đợt trong xóm lại đang làm hồ sơ xin đi lao động tại Dubai. Nhưng nếu Nhà nước cho giãn nợ cũ và tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn thì chúng tôi mới có thể tái xuất được, bằng không chúng tôi biết lấy vốn đâu ra để đi…"
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Ninh Bình cho biết Sở đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc giúp đỡ giãn nợ cho trên 200 lao động làm việc ở Libya phải về nước trước thời hạn. Sở đang rà soát lại nhu cầu việc làm để tổ chức dạy nghề và giới thiệu cho các đối tượng tái xuất theo nhu cầu. Ở các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực tận dụng lợi thế của địa phương, phát triển các nghề thủ công; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho các đối tượng…
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết theo kết quả khảo sát sơ bộ, đa số lao động trở về từ Libya đều có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Trong tổng số hơn 60 lao động trở về từ Libya của huyện, có một nửa trong số đó có nhu cầu học nghề; trên 2/3 số người lao động có nhu cầu được tư vấn, vay vốn để tiếp tục xuất khẩu lao động sang các nước khác…
Trên địa bàn huyện có gần 80 doanh nghiệp, nhu cầu thu hút lực lượng lao động lớn. Huyện sẽ phối hợp với chính các doanh nghiệp trên địa bàn dạy nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng; tổ chức đạo tạo lại, cấp chứng chỉ nghề cho lao động, để các lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động, có thu nhập tương xứng với sức lao động của mình…
Huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho những người có nhu cầu, có đủ điều kiện được vay vốn phát triển kinh tế, ưu tiên vay vốn xuất khẩu lao động, để giúp các lao động giảm bớt khó khăn…/.
Tuy nhiên, với những lao động đi Libya, việc phải về nước trước thời hạn thì xem như giấc mơ đổi đời đã bị mất. Hơn thế, việc thêm món nợ lớn đã đẩy họ vào tình cảnh hết sức khó khăn. Sau hơn 3 tháng kể từ ngày trở về, nhiều người vẫn đang loay hoay với việc tìm con đường mưu sinh, kiếm tiền trả nợ…
"Từ quan" xuất ngoại
Đã có hơn 10 năm làm Bí thư chi bộ xóm 4, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, nhưng anh Nguyễn Viết Xuân đã bỏ cả chức “quan xóm” để xuất ngoại. Anh Xuân cho biết trước đây gia đình anh cũng từng vay vốn đầu tư xây dựng một khu trang trại nuôi gần 60 con lợn thịt và lợn sinh sản. Tuy nhiên, tiền cám đầu tư cho lợn ăn khá lớn, phải mua chịu tính lãi suất, đến khi lợn xuất chuồng tính ra không có lãi, cộng thêm dịch bệnh đã khiến anh cụt vốn và đành phải bỏ nghề chăn nuôi.
Ở vùng chiêm trũng quê anh, người dân chủ yếu sống bám vào cây lúa, nhưng mỗi khẩu chỉ có hơn một sào ruộng cấy, nên các gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống gia đình và chăm lo con cái học hành...
Do đó, cứ hết mùa cấy, mùa gặt, mọi người ở làng quê nghèo lại xoay xở làm đủ nghề, lên thành phố chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt ở chợ, làm công nhân may… nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ phụ giúp thêm chi tiêu cho gia đình. Nên dù phải vay nợ tất cả chi phí cho chuyến đi lên tới 30-40 triệu đồng họ vẫn chấp nhận vay nợ...
Cùng chung cảnh “thất cơ lỡ vận” và phải chịu cảnh nợ nần, khó khăn, anh Nguyễn Văn Phương ở phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình buồn rầu cho biết: "Ở nông thôn dù còn ít ruộng, nhưng nông dân vẫn có mảnh đất cắm dùi, mình ở thành phố chẳng biết bấu víu vào cái gì ngoài đôi bàn tay và sức lao động. Ở tuổi ngũ tuần nhưng mình vẫn phải xin đi xuất khẩu lao động, bởi đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng không đủ lo cho hai con theo học và chi tiêu của gia đình trong thời bão giá hiện nay. Nhưng mọi sự không thuận lợi, mới làm chưa được một năm đã phải về nước, tạm thời mình phải xin vào làm công nhật cho xí nghiệp ôtô với 80.000 đồng/ngày, cũng chỉ đủ tiền ăn cho cả gia đình trong ngày. Cứ đà này đến cuối năm nay đáo hạn ngân hàng thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ…"
Trao đổi với phóng viên, hầu hết các lao động trở về từ Libya đều có chung ý kiến là mong muốn nhất là Nhà nước sớm hỗ trợ khoanh nợ cũ; đồng thời tạo điều kiện cho lao động Libya tiếp tục được vay vốn để làm ăn, đi tái xuất sang một nước khác...
Nhiều hướng đi, nhưng khó chọn
Các lao động trở về từ Libya đã được Chính phủ và tỉnh giúp đỡ. Ngay khi các lao động về đến địa phương, các ban, ngành của tỉnh đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên và quyết định hỗ trợ ban đầu cho mỗi lao động 3 triệu đồng. Tiếp đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát, thu thập thông tin nhu cầu việc làm của các lao động.
Các phương án giúp đỡ như kêu gọi và phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện thu nhận các lao động vào làm việc; ưu tiên cho các lao động được học nghề và nếu có nhu cầu tái xuất cũng sẽ tạo điều kiện…
Ở các huyện, thị xã, thành phố còn đặt vấn đề ưu tiên giúp đỡ những lao động trở về từ Libya là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Vậy tại sao, kể từ ngày về nước đến nay, các lao động trở về từ Libya vẫn đang phải loay hoay tìm việc?
Anh Nguyễn Văn Phương ở phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) cho biết phường đã thông báo về chính sách ưu tiên tuyển dụng của các công ty, tuy nhiên với các điều kiện và chế độ lương nhà tuyển dụng đưa ra, các lao động như họ lại rất khó lựa chọn. Bởi đối với lao động phổ thông, các công ty chỉ trả chưa đến 2 triệu đồng/tháng, trong khi phải xa nhà vào tận miền Nam làm việc.
Do các lao động thấy không phù hợp, nên dù chưa có việc làm, nhưng số lao động đăng ký vào làm rất ít. Đối với việc học nghề và cho tái xuất sang nước khác, nhiều lao động cho biết đối với chủ trương này, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không nhận được sự giúp sức tích cực từ phía các cơ quan Nhà nước.
Anh Nguyễn Văn Hà, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho hay: "Được biết Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho chúng tôi tái xuất sang một nước khác, những người đi cùng đợt trong xóm lại đang làm hồ sơ xin đi lao động tại Dubai. Nhưng nếu Nhà nước cho giãn nợ cũ và tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn thì chúng tôi mới có thể tái xuất được, bằng không chúng tôi biết lấy vốn đâu ra để đi…"
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Ninh Bình cho biết Sở đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc giúp đỡ giãn nợ cho trên 200 lao động làm việc ở Libya phải về nước trước thời hạn. Sở đang rà soát lại nhu cầu việc làm để tổ chức dạy nghề và giới thiệu cho các đối tượng tái xuất theo nhu cầu. Ở các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực tận dụng lợi thế của địa phương, phát triển các nghề thủ công; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho các đối tượng…
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết theo kết quả khảo sát sơ bộ, đa số lao động trở về từ Libya đều có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Trong tổng số hơn 60 lao động trở về từ Libya của huyện, có một nửa trong số đó có nhu cầu học nghề; trên 2/3 số người lao động có nhu cầu được tư vấn, vay vốn để tiếp tục xuất khẩu lao động sang các nước khác…
Trên địa bàn huyện có gần 80 doanh nghiệp, nhu cầu thu hút lực lượng lao động lớn. Huyện sẽ phối hợp với chính các doanh nghiệp trên địa bàn dạy nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng; tổ chức đạo tạo lại, cấp chứng chỉ nghề cho lao động, để các lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động, có thu nhập tương xứng với sức lao động của mình…
Huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho những người có nhu cầu, có đủ điều kiện được vay vốn phát triển kinh tế, ưu tiên vay vốn xuất khẩu lao động, để giúp các lao động giảm bớt khó khăn…/.
Vũ Văn Đạt (TTXVN/Vietnam+)