Hướng điều trị mới cho các bệnh nhân mắc Alzheimer

Các nhà nghiên cứu Canada đã tìm ra phương thức kích thích cơ chế bảo vệ tự nhiên của não ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Laval tại thành phố Québec, Canada và công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) đã tìm ra phương thức kích thích cơ chế bảo vệ tự nhiên của não ở những người mắc bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu này được cho là đã mở ra một hướng điều trị mới cho các bệnh nhân Alzheimer và triển vọng điều chế vắcxin phòng bệnh.

Một trong những đặc điểm chính của bệnh Alzheimer là làm sản sinh trong não của một phân tử độc hại được gọi là beta amyloid. Tế bào Microglial, một loại tế bào có chức năng bảo vệ hệ thần kinh, không thể loại bỏ chất này, do vậy tạo thành các mảng lão hóa.

Nhóm nghiên cứu, do tiến sĩ Serge Rivest, giáo sư Khoa Y của trường Đại học Laval đứng đầu, đã xác định được một phân tử có tác dụng kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch của não. Phân tử này được gọi là MPL (monophosphoryl lipid A), đã được sử dụng rộng rãi như một chất bổ trợ vắcxin của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline trong nhiều năm và tính an toàn của nó đã được kiểm chứng.

Ở những con chuột có các triệu chứng Alzheimer, các thí nghiệm tiêm MPL đều đặn trong các tuần và kéo dài trong khoảng 12 tuần đã loại bỏ được 80% các mảng lão hóa. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khả năng nhận thức của những con chuột thí nghiệm cũng được cải thiện đáng kể.

Theo nhóm nghiên cứu, hai ứng dụng tiềm năng là có thể dùng MPL để điều trị cho những người mắc bệnh Alzheimer giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh; và có thể kết hợp MPL vào một loại vắcxin để kích thích sản sinh kháng thể chống lại beta amyloid.

Theo dự báo của Hiệp hội bệnh Alzheimer Canada, đến năm 2050, tại quốc gia này sẽ có 2,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh sa sút trí tuệ, so với mức 747.000 bệnh nhân hiện nay. Số lượng bệnh nhân Alzheimer tại Canada có thể tăng lên 1,4 triệu người vào năm 2031.

Bệnh Alzheimer đang khiến Canada tốn kém mỗi năm 33 tỷ CAD và con số này có thể tăng lên 239 tỷ CAD vào năm 2040.

Tổng giám đốc điều hành của Hiệp hội bệnh Alzheimer Canada Mimi Lowi-Young cho rằng việc số lượng bệnh nhân Alzheimer ngày càng tăng làm tăng gánh nặng đối với xã hội vì cần phải có thêm lực lượng chăm sóc người bệnh, khiến các mạng lưới y tế và an sinh xã hội căng thẳng, vì vậy cho thấy nhu cầu cấp thiết phải hành động để phòng chống và chữa trị căn bệnh này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục