Tính cách tranh tụng

Hutchison hoang mang và tính cách tranh tụng

Hôm nay, 15/11 Hanoi Telecom lại tiếp tục gửi công văn “kêu cứu” và không giấu ý định sẽ đưa thương vụ 3G EVN Telecom ra tranh tụng...
Ngày 15/11, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (HanoiTelecom) Phạm Ngọc Lãng đã tiếp tục gửi công văn lên Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, tổ chức liên quan như Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý kinh tế trung ương, Cục Quản lý cạnh tranh… để “kêu cứu” và đề nghị các cơ quan này có ý kiến chính thức ủng hộ cho HanoiTelecom được mua lại băng tần 3G của EVN Telecom. “Bộ chủ quản và các cơ quan liên quan cần có ý kiến công bằng” Tại công văn số 626 này, HanoiTelecom tiếp tục nêu rõ việc Liên danh Hanoi Telecom-EVN Telecom đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh trong cuộc thi tuyển 3G với Quy chế thi tuyển đã được Thủ tướng phê duyệt. Liên danh Hanoi Telecom-EVN Telecom đã là một trong các doanh nghiệp thắng thầu, đã tuân thủ đầy đủ Quy chế đấu thầu, đã thực hiện đặt cọc tiền tại Ngân hàng để được nhận Giấy phép theo quy định. Cho đến nay, cả hai doanh nghiệp đã đầu tư lớn và đang tiếp tục đầu tư lớn hơn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng điện thoại 3G theo đúng lộ trình đã cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông. Công văn của HanoiTelecom cũng trích dẫn các điều khoản ghi trong hợp đồng Liên Danh EVN Telecom-Hanoi Telecom đã ký (theo mẫu) của hồ sơ thi tuyển 3G do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tại điều 6.4, 6.5 và 6.6. Theo đó, tại mục 6.4: "Không một thành viên nào trong liên danh được quyền chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo Hợp đồng liên danh này cho bên thứ 3 nếu chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông." Tại mục 6.5: "Không một thành viên nào trong liên danh được quyền chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo Hợp đồng liên danh này cho bên thứ 3 nếu chưa có văn bản chấp thuận của Bên còn lại trong liên danh. Tại mục 6.6: "Nếu một Bên của liên danh muốn chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo Hợp đồng liên danh này cần phải ưu tiên chuyển nhượng cho bên còn lại của Liên danh nếu bên đó muốn nhận chuyển nhượng.” Theo ông Phạm Ngọc Lãng, với những quy định trong Quy chế cuộc thi 3G mà liên danh Hanoi Telecom-EVN Telecom đã trúng thầu thì “dải băng tần 2 x 15 MHZ đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trọn vẹn một băng tần, băng tần ‘không được chia cắt’ để đảm bảo tính hiệu quả tài nguyên quốc gia, hiệu quả sử dụng băng tần. Nay Chính phủ có chủ trương bán hoặc sáp nhập EVN Telecom trong chương trình cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp, Hanoi Telecom xin được ưu tiên mua lại phần băng tần 3G của EVN Telecom mà Luật tần số đã cho phép. Vì những lý do như vậy, Hanoi Telecom đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông trên cương vị là bộ chủ quản về viễn thông, cùng nguyên các thành viên hội đồng thi tuyển 3G cần có ý kiến công khai trong việc phân xử quyền xứng đáng được mua lại nửa phần băng tần 3G của EVN Telecom trên tinh thần khách quan, minh bạch và công bằng nhất. Hanoi Telecom cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến chính thức với Chính phủ về “quyền ưu tiên trước tiên mua lại phần băng tần 3G của EVN Telecom phải thuộc về công ty Hanoi Telecom.” Hanoi Telecom cũng đề nghị VCCI có ý kiến bảo vệ quyền hợp pháp của các doanh nghiệp; đề nghị Viện Quản lý kinh tế trung ương, Cục Quản lý cạnh tranh xem xét lại chính sách tập trung kinh tế và có hay không việc vi phạm Luật cạnh tranh khi EVN Telecom sáp nhập vào Viettel. Hutchison Telecom hoang mang và dự tính tranh tụng Theo ông Phạm Ngọc Lãng, hiện tại Tập đoàn Hutchison Telecom rất hoang mang về việc các nguồn lực và lợi thế cạnh tranh lớn tiếp tục tập trung trở lại cho các tập đoàn viễn thông nhà nước “quyền được độc quyền” và khi đó sẽ dẫn đến tình trạng “bức ép các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.” Tập đoàn Hutchison Telecom và Hanoi Telecom đã đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng và kinh doanh mạng thông tin di động mặt đất năm 2005 trước thềm Việt Nam gia nhập WTO trong khuôn khổ Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với 655,9 triệu USD, bao gồm cả 2G & 3G, hiện đã đầu tư lên đến 880 triệu USD và có kế hoạch đầu tư tới 1,1 tỷ USD trong năm tới. "Nếu chúng tôi không được mua lại phần băng tần 3G của EVN Telecom thì thật không công bằng, theo đó Hanoi Telecom chỉ còn một nửa băng tần với 1.5 sóng mang, phải từ giã sân chơi 3G vì thiếu tần số, trong khi đó Viettel được sở hữu hơn 50% quỹ tần số 3G quốc gia - một sự dư thừa phi kỹ thuật; điều này trái với quy hoạch phổ tần 3G đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, trái với quy chế cuộc thi 3G, hệ lụy là mạng 3G của Hanoi Telecom bị hủy hoại và mọi cố gắng đầu tư hàng tỷ đôla của Hanoi Telecom và Hutchison Telecom sẽ trở nên vô nghĩa vì cơ chế, sự tranh tụng quốc tế có thể xảy ra," ông Lãng phân tích. "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, với những quan tâm hơn nữa của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự phản biện công khai, khách quan, khoa học của các cơ quan, tổ chức sẽ tạo nên sự phát triển lành mạnh cho nghành viễn thông nước nhà, tránh sự quay trở lại của thời kỳ độc quyền, gây tổn hại cho quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế," ông Lãng chia sẻ thêm./.
Theo thông tin từ buổi làm việc ngày 10/11, giữa ban lãnh đạo Hanoi Telecom với ông Herman Schepers, Giám đốc phát triển thị trường và chính sách tần số toàn cầu của hiệp hội GSM thế giới và bà Chris Perera, Chủ tịch Hiệp hội GSM châu Á-Thái Bình Dương (GSMA), khảo sát và thống kê từ hàng trăm nhà mạng 3G tại hơn 30 nước lớn ở châu Âu và châu Á, hầu hết mỗi nhà mạng chỉ được sử dụng từ 10 đến 15 MHz để triển khai dịch vụ. Không có nhà mạng nào có nhiều hơn 20 MHz vì sẽ là lãng phí, phi kỹ thuật, và cũng không ít hơn 5 MHz do chi phí đầu tư sẽ đội lên rất lớn (đắt trên 300% so với có 15 MHz), và thị trường không còn cạnh tranh, nhà mạng không đủ tài nguyên tần số bị hủy diệt.

Viện dẫn trường hợp sáp nhập nhà mạng T-mobile với Tele Ring (Áo), trước khi sáp nhập T-mobile có 15 MHz băng tần 3G, Tele Ring có 10 MHz. Để được sáp nhập Tele Ring, T-mobile bị buộc phải bán lại toàn bộ dải băng tần 10 MHz có được từ Tele Ring cho nhà mạng khác. Mạng Orange và T-mobile UK trước khi sáp nhập, mỗi nhà mạng có 30 MHz băng tần 2G 1800 MHz và 10 MHz băng tần 3G 2100 MHz. Để được chấp nhận sáp nhập, Orange và T-mobile bị buộc yêu cầu nhượng cho nhà mạng khác 15 MHz băng tần 2G 1800 MHz.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục