Huyện Chợ Đồn - vùng quê cách mạng đang "thay da đổi thịt"

Đến Chợ Đồn vào những ngày mùa Thu cách mạng này, chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi của một vùng quê cách mạng nơi đây, cờ hoa được treo khắp phố, người dân hăng say lao động sản xuất.
Huyện Chợ Đồn - vùng quê cách mạng đang "thay da đổi thịt" ảnh 1Trang trại nuôi lợn ở huyện Chợ Đồn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn là vùng quê cách mạng, thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện Chợ Đồn đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Đồn, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là An toàn khu của cuộc kháng chiến. Mảnh đất này được đón nhận, che chở cho các cơ quan Trung ương và các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Huyện Chợ Đồn cũng đã vinh dự được đón Bác Hồ về ngày 8/12/1947, để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Trong thời gian từ năm 1947-1951, Bác đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn chứng kiến sự có mặt của Tổng Bí thư Trường Chinh, ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng). Xóm Nà Quân (xã Bình Trung) được chọn làm điểm đặt hội trường Trung ương Đảng trong các năm từ 1947-1952, nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới.

Trong khoảng thời gian từ năm 1947-1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y...

Từ khi được chọn là An toàn khu (ATK), Đảng bộ, chính quyền non trẻ Chợ Đồn có nhiệm vụ trọng đại là bảo vệ căn cứ An toàn khu. Công việc khẩn trương của Đảng bộ, chính quyền Chợ Đồn lúc ấy là làm trong sạch địa bàn, chống chiến tranh gián điệp, củng cố thông tin liên lạc...

Ông Triệu Văn Sinh, thôn Bản Bằng, xã Nghĩa Tá, một người đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử diễn ra tại Bản Bằng, cho biết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Vặn Lạc, Chu Văn Tấn đã sống và làm việc tại đây.

Tháng 6/1945, khi từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng dừng chân nghỉ tại nhà ông Triệu Văn Dương, một cơ sở cách mạng tại Bản Bằng. Đỉnh Pù Cọ còn là nơi diễn ra nhiều cuộc gặp mặt của hai đoàn quân Nam Tiến và Bắc Tiến.

Ông Sinh cho biết thêm phong trào thi đua sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến được đẩy mạnh trong toàn dân. Mọi người ở đây đều nêu cao ý thức giữ gìn bí mật, hết lòng đùm bọc che chở cho các cơ quan Trung ương. Thanh niên Chợ Đồn hăng hái xung phong gia nhập bộ đội chủ lực đi đánh Tây kháng chiến, tình nguyện tham gia các Liên đội thanh niên xung phong làm đường giao thông...

Hiện nay, các địa danh thuộc ATK Chợ Đồn đều đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến với khu di tích ATK Chợ Đồn hôm nay, ngoài việc tham quan các di tích lịch sử truyền thống, du khách còn rất nhiều cơ hội tìm hiểu đời sống người dân địa phương, khám phá những nét đẹp văn hóa mà chỉ nơi này có được; đồng thời, chứng kiến cảnh sắc ngày một đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên để phát triển bền vững

Đến Chợ Đồn vào những ngày mùa Thu cách mạng tháng Tám này, chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi của một vùng quê cách mạng.

Ông Nông Quang Nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Đồn, cho hay trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, ngày nay, dân số của Chợ Đồn đã lên tới khoảng 50.000 người, với 5 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Dao, Kinh và Hoa. Các dân tộc ở Chợ Đồn có một nền sản xuất khá phát triển.

Ngoài việc trồng lúa (chủ yếu là lúa nước), người dân còn trồng ngô, khoai, sắn và các cây thực phẩm khác như rau, đậu…

Với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, từ thời xa xưa, ​người dân nơi đây đã xây dựng nên những công trình thủy điện để dẫn nước vào ruộng.

Theo thống kê, bình quân lương thực đầu người đạt 569kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, đến năm 2014 còn 10,14%; dự kiến đến hết năm 2015, giảm xuống dưới 8%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Để không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng đã triển khai một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia.

Một số sản phẩm của Chợ Đồn đã trở thành mặt hàng có thương hiệu trên thị trường như chè Shan tuyết, gạo Bao thai, hồng không hạt, cam, quýt, lợn lai…

Những cánh đồng 70 triệu đồng/ha trồng ớt, khoai tây, rau… xuất hiện ngày càng nhiều.

Rừng là tài nguyên, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu nhằm phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng.

Chợ Đồn còn là một trong hai khu vực tập trung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn. Những khoáng sản có tiềm năng hơn cả là sắt, chì, kẽm và vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn. Đây là những lợi thế lớn để Chợ Đồn có thể phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp vật liệu xây dựng, từng bước tích lũy và xây dựng các ngành công nghiệp khác sau này.

Với 10 xã thuộc An toàn khu, nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống sông suối với hệ sinh thái phong phú và mạng lưới giao thông thuận lợi là những điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn, từ du lịch văn hóa lịch sử đến du lịch sinh thái.

​Huyện Chợ Đồn cũng đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm thực hiện hoàn thành các tiêu chí đề ra, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Huyện đề ra kế hoạch sẽ tăng số tiêu chí đạt chuẩn của từng xã, mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn từ 1-3 tiêu chí, đạt bình quân 9 tiêu chí/xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục