Một vẻ đẹp vĩnh cửu

Huyền thoại Elizabeth Taylor: Một vẻ đẹp vĩnh cửu

Liz Taylor hấp dẫn bởi nhiều lý do: vẻ đẹp rực rỡ, lòng dũng cảm, sự hài hước, 8 cuộc hôn nhân... và tất nhiên là khả năng diễn xuất.

Ngôi sao điện ảnh Elizabeth Taylor, người vừa qua đời ở tuổi 79 vì bệnh tim, được công chúng chú ý từ khi mới lên tuổi 11 và bà vẫn luôn ngự trị trong trái tim bao người say mê điện ảnh nhiều thập kỷ sau khi tham gia bộ phim cuối cùng của mình.

Bà khiến mọi người say mê bởi nhiều lý do: vẻ đẹp rực rỡ, lòng dũng cảm, tính tình rộng mở, sự hài hước khi luôn bêu xấu bản thân mình, tám cuộc hôn nhân (trong đó hai lần với nam diễn viên Richard Burton). Bà cũng nổi tiếng vì nhiều lần cận kề với cái chết, vì có cân nặng khủng khiếp, về những viên kim cương, những hành động nhân đạo. Những lý do này nhiều khi còn khiến người ta nhắc đến bà nhiều hơn cả lý do đầu tiên đưa bà lên vị trí ngôi sao - đó là những vai diễn để đời trong những bộ phim như "A Place in the Sun" (1951), "Cat On a Hot Tin Roof" (1958), "BUtterfield 8" (1961), "Cleopatra" (1963) và "Who's Afraid of Virginia Woolf?" (1966).


Sinh ra cho điện ảnh

Taylor sinh ra ở Hampstead, phía bắc London, trong một gia đình người Mỹ. Mẹ của bà, Sara, từng là một diễn viên sân khấu, còn cha bà, Francis, là một người kinh doanh nghệ thuật. Mới chập chững biết đi, bà đã học ballet, và khi lên 3 tuổi, và đã cùng các bạn trong lớp biểu diễn cho hoàng gia xem. Năm 1939, vài tháng trước khi nổ ra chiến tranh, gia đình bà chuyển sang Hollywood, nơi người cha mở một phòng tranh mà những người máu mặt trong giới điện ảnh thường xuyên lui tới.       

Thế rồi vẻ đẹp của con con gái ông chủ phòng tranh với mái tóc sẫm màu và đôi mắt tím được tán thưởng chẳng kém những bức tranh trên tường, và cô bé nhanh chóng có vai diễn đầu tiên khi mới lên 10 trong "There's One Born Every Minute" (1942) của hãng Universal.

Nhưng chính MGM mới là cái nôi đã giúp sự nghiệp của Taylor thăng tiến, và cũng là hãng sản xuất hầu hết các bộ phim của Elizabeth Taylor. Khi Sara Taylor nghe tin studio này đang tìm kiếm một cô gái trẻ để thủ vai Velvet Brown, người đã giả trai để rồi giành giải cuộc đua ngựa Grand National, bà liền đưa cô con gái đến gặp nhà sản xuất Pandro S. Berman. Ông cho rằng cô bé quá gầy cho vai diễn, dù cô có thể cưỡi ngựa khá tốt. Nhưng sau 3 tháng dưới sự kèm cặp chặt chẽ của mẹ, Taylor đã thay đổi quan điểm của Berman. Diễn xuất của cô thực sự quá xuất sắc.

"Mãi mãi" là 8 tháng

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Elizabeth Taylor là với Nicky Hilton, cậu quý tử tay chơi 23 tuổi của ông trùm khách sạn Conrad Hilton, vào năm 1950. Dường như đây là một câu chuyện tình lãng mạn, là cái tứ quá hấp dẫn cho các tạp chí giải trí, vì cả hai đều trẻ trung, hấp dẫn, giàu có và vây xung quanh là bao kẻ tán dương. MGM ngay lập tức tranh thủ đám cưới hoành tráng nhất trong năm của Hollywood để tung ra một tác phẩm hài có tên "Father of the Bride" (1950), trong đó Taylor vào vai cô dâu còn Spencer Tracy vào vai người cha.

 

      Người chồng đầu tiên của Taylor là con trai của ông chủ tập đoàn khách sạn nổi tiếng Hilton. (Nguồn: Internet)

Sau lễ cưới, Taylor thì thầm vào tai bà mẹ, "Ôi mẹ ơi, con và Nick bây giờ là một và mãi mãi sẽ là một." Thực tế, "mãi mãi" chỉ có nghĩa là 8 tháng. Theo lời của Taylor khi làm thủ tục ly dị, Hilton chẳng hề quan tâm đến cô vợ trẻ trong chuyến trăng mật dài ở châu Âu, thậm chí uống rượu lướt khướt và đối xử tệ bạc với Taylor trước mắt thiên hạ.

Rồi nàng gặp diễn viên người Anh Michael Wilding, hơn tới 20 tuổi, trong khi đang tham gia phim "Rebecca in Ivanhoe" (1952) ở Anh. Cuộc hôn nhân bắt đầu có vấn đề vào năm 1956, sau khi họ có hai cậu con trai, Michael Jr và Christopher.

24 tuổi, Taylor và trở thành một trong những ngôi sao đắt giá nhất tại Hollywood, nhất là sau vai diễn trong "Stevens's Giant" (1956) trong đó Taylor đã có mối quan hệ khăng khít với hai bạn diễn, Rock Hudson và James Dean. Wilding thì đã trung niên và sự nghiệp đang đi xuống, dù được vợ kiếm cho một hợp đồng với MGM. Rõ ràng chênh lệch tuổi tác đã dẫn đến vụ ly hôn giữa hai người, tuy Taylor khẳng khăng rằng điều đó chẳng hề quan trọng.

Oái oăm là người đàn ông mà nàng kết hôn tiếp theo lại già hơn Wilding tới 5 tuổi. Nhưng quý ông đỏm dáng Mike Todd (tên thật là Avrom Goldbogen), cha đẻ của tác phẩm "Vòng quanh thế giới trong 80 ngày," lại là người có tinh thần rất trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Họ làm lễ cưới ở Acapulco năm 1957, và cùng năm đó sinh bé gái, Liza. Sau ca mổ đẻ khó, hai mẹ con suýt tử vong. Taylor được khuyên là không nên có con nữa.

Chỉ 7 tháng sau, chiếc máy bay riêng Lucky Liz của Todd trên đường bay đến New York đã bị nạn trong cơn bão và không một ai sống sót. Taylor lẽ ra đã đi cùng chồng trên chuyến bay định mệnh đó nhưng được khuyên ở nhà vì bị cúm. Nhận được tin, nàng hét to đến nỗi hàng xóm cách xa mấy nhà cũng nghe thấy, và người ta đã phải cho nàng uống thuốc để khỏi quyên sinh.


1 triệu USD cho Cleopatra và Oscar đầu tiên

Dần dần, Taylor không còn sống ẩn dật và hoàn tất bộ phim "Cat on a Hot Tin Roof" (1958). Không rõ có phải nhờ cái chết của Todd mà nàng có được một diễn xuất tuyệt vời với vai Maggie tuyệt vọng. Giọng của nàng, vốn chưa bao giờ là điểm mạnh, bỗng nhiên có sức mạnh và ăn khớp với Paul Newman và Burl Ives. Sức hút của bộ phim càng tăng lên vì tin đồn xung quanh mối quan hệ giữa Taylor và Fisher. Năm 1959, Taylor - đã chuyển sang đạo Do Thái khi làm vợ Todd - kết hôn với Fisher tại một nhà nguyện ở Las Vegas.

Tạo hình nhân vật Cleopatra của Taylor được dựng tượng sáp tại bảo tàng Madame Tussauds ở Hollywood (Nguồn: Reuters).

Taylor đang ở London để hoàn tất phim "Suddenly, Last Summer" (1959), thì nhà sản xuất Walter Wanger mời nàng đóng vai chính trong "Cleopatra." Ngôi sao này nửa đùa nửa thật nói rằng nàng sẽ nhận với cái giá 1 triệu USD và 10% tổng doanh thu. Nào ngờ, hãng 20th Century-Fox đồng ý với điều kiện của nàng, đưa Elizabeth Taylor trở thành nghệ sĩ được trả cátxê cho một phim cao nhất trong lịch sư Hollywood tính tới thời điểm đó. Và đây là câu nói bất hủ của nàng: "Nếu ai đó ngờ nghệch đến mức trả tôi tới 1 triệu USD để đóng một bộ phim thì đương nhiên tôi cũng chẳng dại gì mà từ chối."

Khi bộ phim làm Taylor nổi tiếng, Cleopatra, được khởi quay ở phim trường Pinewood, Peter Finch được chọn đóng Julius Caesar và Stephen Boyd cho vai Mark Anthony. Tuy nhiên, không ai trong số đó được thấy nữ hoàng của họ nhiều hơn một tháng. Taylor đầu tiên bị cảm, rồi bị sốt, rồi sưng răng. Tháng 3-1961, bà phải nhập viện ở London vì nghẽn phổi. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật mở khí quản để giúp Taylor thở lại bình thường và trong nhiều ngày, bà vẫn nằm trong danh sách nguy hiểm. Sau một thời gian hôn mê, Taylor khỏe dần trở lại. Các bác sĩ tuyên bố “cô ấy đã hồi phục, đây là một trường hợp hiếm hoi. Cô Taylor đã cho thấy sự can đảm phi thường và đã chiến đấu quyết liệt để khỏi bệnh”.

Mùa xuân năm đó, Taylor giành giải Oscar đầu tiên của bà, sau ba lần được đề cử (với các phim "Raintree County", "Cat on a Hot Tin Roof""Suddenly Last Summer"), với vai một gái điếm cao cấp trong bộ phim ra mắt năm 1960 "BUtterfield 8". Chỉ sau một đêm, Taylor đã trở thành niềm đam mê của cả nước Mỹ, nhưng bản thân bà sau này cho rằng giải Oscar đó chỉ là phần thưởng an ủi cho việc bà suýt chết và bộ phim “tệ như c...”.

Dòng điện giữa Elizabeth Taylor và Burton

Trở lại với phim "Cleopatra", toàn bộ dự án được chuyển sang Rome, và Finch cùng Boyd bị thay thế bằng Rex Harrison và Richard Burton. Taylor đến Rome với cả một phái đoàn hỗ trợ bao gồm một ông chồng, ba người con, năm con chó, hai còn mèo, một đống trợ lý và hàng chục người phục vụ. Tất cả sống trong Villa Pappa, một biệt điện 14 phòng ở Via Appia.

           Richard Burton và Elizabeth Taylor trong "Cleopatra" (Nguồn: Reuters).

“Thời đó khi làm phim, những diễn viên trở thành chính nhân vật mà họ đóng”, nhà sản xuất của phim “Cleopatra”, Walter Wanger, người đã đại diện cho hãng 20th Century đồng ý trả cho Taylor 1 triệu USD và 10% doanh số, một khoản tiền khổng lồ vào thời bấy giờ, nói. “Các máy quay như lặng câm. Mọi thứ thật yên tĩnh và bạn có thể cảm giác được dòng điện giữa Elizabeth Taylor và Burton”.

Sau cảnh quay đầu tiên đó, Burton, lúc này đã có vợ, thường xuyên lui tới căn biệt thự của Taylor vào buổi tối. Trong một buổi tối như thế, khi Burton đang kể những câu chuyện lôi cuốn cho các vị khách khác, Eddie Fisher, chồng của Taylor khi đó, bước đến bên chiếc piano bắt đầu chơi và hát to. Cuối cùng, Taylor hét lên: “Câm đi, Eddie! Chúng tôi đang trò chuyện”, thế là ông chồng ca sĩ bị cắm sừng giận dữ đóng sập nắp đàn piano rồi bỏ vào phòng trong. Vài phút sau, đĩa nhạc của Fisher vang lên ầm ầm khắp nhà. Taylor bịt tai lại trong khi những vị khách lặng lẽ rời phòng.

“Lúc đầu tôi nghĩ đó là sự cám dỗ, nhưng rồi tôi nhận ra đó là tình yêu”, Burton nhớ lại. Trong khi quay phim “Cleopatra”, để tránh những tay săn ảnh trộm, bộ đôi mới yêu thường hẹn hò ở căn hộ một phòng bên bờ biển. Nhưng rốt cuộc, mệt mỏi vì phải trốn tránh và che giấu, họ quyết định công khai mọi chuyện ở Via Venuto. Tòa Thánh gọi cuộc tình đó là “sự sỉ nhục với những giá trị gia đình thiêng liêng”, trong khi Ed Sullivan, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ, nhận xét: “Những người trẻ đã có một tấm gương xấu về sự thiêng liêng của hôn nhân với ví dụ về cuộc hôn nhân tan vỡ Taylof-Fisher và người đàn ông đã có vợ Burton”.

Sau "Cleopatra", Burton và Taylor tuyên bố họ sẽ làm một bộ phim nữa cùng nhau, có tên gốc là “International Affairs”, nhưng sau đó được sửa thành “The VIPs”. Trong khi quay phim này ở London, “Cleopatra” được công chiếu với sự phản ứng khác nhau từ người xem. Khán giả thất vọng vì những cảnh yêu đương giữa Taylor và Burton ở một khung cảnh Rome hiện đại không có được cảm xúc như Rome cổ xưa, nhưng các ngôi sao lớn và sự quan tâm dành cho đời tư của họ vẫn khiến bộ phim này đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu vào năm 1963.

Cuộc tình Taylor-Burton tiếp tục công khai, trong khi cả Fisher và Sybil Burton, vợ của Richard Burton, đều thuê các luật sư để tìm kiếm những cuộc ly dị có lợi nhất. Rốt cuộc, Burton và Taylor kết hôn vào tháng 3-1964 tại khách sạn Ritz-Carlton ở Montreal. Taylor mặc một chiếc váy cưới màu vàng nhạt của nhà thiết kế Irene Sharaff đính kiêm cương và ngọc trị giá 150.000 USD được Burton mua tặng bà ở một cửa hàng Bvlgari tại Rome. Tôn giáo của cô dâu và chú rể lần lượt là Do thái và Thiên chúa giáo.

“Tôi muốn được biết đến như một diễn viên”

Vụ bê bối kết thúc, nhưng mối quan tâm của công chúng với họ lại càng gia tăng. Bộ đôi nổi tiếng nhất thế giới mang lại ánh hào quang hơn bất cứ diễn viên nào. “Tôi muốn được biết đến như một diễn viên”, Taylor nói với New York Times năm 1964. Không may cho họ, danh tiếng như những diễn viên nghiêm túc của Taylor và Burton không khá hơn chút nào với bộ phim tiếp theo họ làm chung, “The Sandpiper“ (1965), một phim tình cảm sướt mướt. Sau ba phim rất thiếu thuyết phục làm cùng nhau, cuối cùng Taylor-Burton cũng tìm lại được cảm tình của khán giả với phim “Who’s Afraid of Virgina Wolf?” vào năm 1966. Taylor giành giải Oscar thứ hai trong vai một bà vợ 52 tuổi xấu tính và khó chịu của một vị giáo sư tự căm ghét chính mình (Burton). Chính nhờ tài năng diễn xuất, chứ không phải sắc đẹp hay những vụ bê bối, đã giúp Taylor tỏa sáng trong phim này.

          Taylor với giải Oscar lần đầu năm 1961 (Nguồn: Reuters).

 

Sau bộ phim, cặp vợ chồng nổi tiếng chuyển sang sân khấu kịch. Họ diễn không lấy tiền ở Đại học Oxford trong năm buổi tại nơi nay là Trung tâm sân khấu Đại học Oxford. Burton luôn nói rằng chính Taylor đã dạy ông cách diễn xuất: “Cô gái đó thật sự là ánh hào quang. Nếu tôi nghỉ hưu ngày mai, tôi sẽ bị lãng quên chỉ sau năm năm, nhưng cô ấy là vĩnh cửu”. Burton và Taylor tiếp tục sự nghiệp với phim màu đầu tiên, rất được yêu thích của đạo diễn Franco Zeffirelli, bao gồm “The Taming of the Shrew” (1967), rồi đóng chung trong ”The Comedians” (1967) và “Boom” (1968), những bộ phim được quay ở Tây Phi và Sardinia.


Những viên kim cương tội lỗi

Khi gánh xiếc Taylor-Burton đi khắp thế giới, lối sống của họ, mà tờ New York Times so sánh với triều đình vua Louis XIV, ngày càng xa xỉ hơn. Trong phong trào cộng sản lên cao vào cuối những năm 1960, những người trẻ coi họ là tội lỗi và phù phiếm, và những bộ phim của họ là không hợp thời. Con trai nhỏ của Taylor, Michael, đã trở thành một tay hippie và sống trong một hợp tác xã ở Wales “để xa lánh những viên kim cương tội lỗi đó”, theo tờ Daily Mirror.

           Taylor và Burton có quá nhiều khác biệt (Nguồn: Internet)

“Những viên kim cương” mà Michael nhắc đến bao gồm một viên 33,19 carat được đặt tên Krupp do Burton mua tặng Taylor hơn 300.000 USD năm 1968, một viên Cartier trị giá 1,5 triệu USD trong chuỗi vòng cổ toàn kim cương của Taylor và viên kim cương hình trái tim nổi tiếng Burton tặng vợ nhân dịp bà 40 tuổi. Viên kim cương đó từng được hoàng đế Shah Jehan (người xây đền Taj Mahal) tặng vợ ông vào năm 1621, với dòng chữ “Yêu nàng vĩnh cửu”. Nhưng công bằng mà nói, gia đình Burton đã rất rộng rãi trong những hoạt động từ thiện. Năm 1966, Taylor thành lập một quỹ nghiên cứu bệnh tim để tưởng nhớ nam diễn viên Montgomery Clift vừa qua đời vì bệnh tim và đã khởi đầu với 1 triệu USD.

Cuộc hôn nhân lâu dài nhất của Taylor rốt cuộc kết thúc vào tháng 6-1974 khi Taylor và Burton ly dị ở Thụy Sĩ. “Có quá nhiều khác biệt”, Taylor giải thích trước tòa. Nhưng họ lại tái hợp vào tháng 8-1975 và lại thu hút sự chú ý của cả thế giới. Trong một chuyến thăm Nam Phi vào mùa thu, một xét nghiệm X-quang cho thấy Taylor có hai vết mờ ở phổi. Quá lo sợ, Burton và Taylor lại quấn lấy nhau, an ủi lẫn nhau. Vào buổi sáng, Taylor được khẳng định rằng bà không bị ung thư. Trong niềm vui lớn, Burton đề nghị họ tái hôn. Hôn lễ được cử hành trên bờ một con sông tại Botswana.


"Chúng tôi luôn luôn và mãi mãi yêu nhau"

Vài tháng sau, họ lại ly dị. Taylor gặp John Warner, một cựu bộ trưởng hải quân dưới thời Tổng thống Gerarld Ford, và họ kết hôn năm 1976. Taylor trở thành một phu nhân chính trị điển hình, vận động tích cực cho chồng được bầu vào Thượng viện bằng hàng loạt các buổi từ thiện, bắt tay hàng nghìn người và phát biểu trước công chúng. “Chưa bao giờ chán như thế, đó là lý do tại sao tôi phát phì”, Taylor sau này nói. Nên bà quyết định trở lại với nghiệp diễn, ở Broadway, vào vai người đàn bà lăng loàn Regina Giddens trong vở kịch "The Little Foxes" của Lillian Hellman, rồi nhà hát Victoria Palace, London năm 1982. Cũng trong năm đó, bà và Warner ly dị.

Sau khi không gây được nhiều chú ý với việc xuất hiện trở lại trong vài tập loạt phim truyền hình General Hospital, Taylor và Burton lại cùng đóng chung trong vở "Private Lives" của Noel Coward ở New York, với giá vé xem một tuần là 7.000 USD, đắt nhất trong lịch sử các vở kịch không phải nhạc kịch của Broadway. Cuộc tình chớp nhoáng kết thúc khi Burton qua đời tháng 8-1984. Taylor không đến dự đám tang cũng như không xuất hiện trước truyền thông. Nhưng vài ngày sau, bà đã đổ sụp trên nấm mồ của người từng chia sẻ ánh hào quang sân khấu và trường quay cùng bà trong hai thập kỷ. Năm 2010, Taylor cho phép xuất bản những bức thư tình của họ và nói: “Richard là một người tuyệt vời, xét trên bất cứ khía cạnh nào. Chúng tôi luôn luôn và mãi mãi yêu nhau”.

          Cả Michael Jackson lẫn Taylor đều đã về bên kia thế giới (Nguồn: Reuters)

Cuộc tình đó hoàn toàn khác với cuộc hôn nhân năm 1991 của bà với Larry Fortensky, một công nhân xây dựng kém Taylor 20 tuổi mà bà quen khi điều trị ở bệnh viện Betty Ford. Sự khác biệt khiến cuộc hôn nhân đầy trắc trở ngay từ đầu. Năm năm sau, bà lại độc thân và lao vào công việc từ thiện, đặc biệt là chiến dịch của bà trong các nỗ lực phòng chống AIDS, có động cơ từ tình cảm bà dành cho Rock Hudson, diễn viên qua đời vì căn bệnh thế kỷ năm 1985. Năm 1997, sức khỏe của Taylor lại trở thành chủ đề của báo chí khi bà phải phẫu thuật não và cạo hết tóc. Bà sống sót nhờ vào “quyết tâm tồn tại, và hàng triệu người hâm mộ”, theo bạn bà, Michael Jackson.

Lúc này đây, khi cả Jackson và Taylor đều không còn nữa, hàng triệu người hâm mộ của cả hai vẫn đang giúp họ sống mãi./.

                
P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục