Hy Lạp: Biểu tình rầm rộ phản đối chính sách khắc khổ

Ngày 17/11, hàng nghìn người biểu tình Hy Lạp đã xuống đường tuần hành phản đối chính sách kinh tế khắc khổ trong bối cảnh IMF và EU đang bắt đầu vòng đàm phán tại Athens.
Hy Lạp: Biểu tình rầm rộ phản đối chính sách khắc khổ ảnh 1Một cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ tại Hy Lạp. (nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 17/11, hàng nghìn người biểu tình Hy Lạp đã xuống đường tuần hành nhân kỷ niệm 40 năm cuộc nổi dậy của sinh viên nước này chống lại chính quyền độc tài quân sự, cầm quyền tại Hy Lạp trong bảy năm.

Cuộc tuần hành thường niên này diễn ra trong bối cảnh hai chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu vòng đàm phán mới tại Athens nhằm quyết định xem có tiếp tục giải ngân tiền cứu trợ cho nước này hay không. Do vậy, trọng tâm của hoạt động biểu tình năm nay là phản đối chính sách kinh tế khắc khổ.

Tại trung tâm thủ đô Athens, hơn 16.000 người biểu tình trước trụ sở quốc hội tại quảng trường Syntagma, giương cao cờ và biểu ngữ với nội dung tẩy chay "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng thời hô vang khẩu hiệu chống phátxít.

Khoảng 7.000 cảnh sát đã được huy động tới các tuyến phố và hàng chục nhân viên canh gác tại quảng trường Syntagma.

Ngoài hoạt động tại quảng trường, đoàn người sau đó kéo tới trước Đại sứ quán Mỹ ở Athens để phản đối, vì cho rằng chính quốc gia này đã hậu thuẫn cho giới quân sự lên nắm quyền ở Hy Lạp từ năm 1967-1974.

Một cuộc tuần hành tương tự cũng đã nổ ra tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp.

Trong khi đó, tại thành phố cảng Patras, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán khoảng 200 người biểu tình quá khích, ném đá và bom xăng gần trụ sở của đảng cực hữu đối lập "Bình minh Vàng."

Đảng này hiện có 18 trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội và đang nhận được sự ủng hộ đáng kể của cử tri do nhiều người bất bình về tình trạng kinh tế suy giảm và thất nghiệp gia tăng tại Hy Lạp.

Tuy nhiên, hiện "Bình minh Vàng" đang dính vào các vụ bê bối do một loại nghị sỹ của đảng phải ra hầu tòa.

Để đổi lấy khoản cứu trợ tài chính từ các nhà cho vay quốc tế, Hy Lạp cũng đã phải trả giá đắt khi áp dụng những biện pháp tăng thuế, cắt giảm lương, phúc lợi xã hội và việc làm.

Điều này đã khiến bình quân cứ 10 thanh niên Hy Lạp thì có sáu người thất nghiệp, tỷ lệ người vô gia cư tăng cao, chất lượng cuộc sống người dân giảm sút, gia tăng bất ổn chính trị khi hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ liên tục nổ ra trên khắp cả nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục