Hy Lạp bước vào năm 2014 với nhiều thách thức lớn

Năm 2014, Hy Lạp đảm nhận chức Chủ tịch EU trong bối cảnh hậu quả của cuộc đại suy thoái vừa qua vẫn còn rất nặng nề. 
Hy Lạp bước vào năm 2014 với nhiều thách thức lớn ảnh 1Hy Lạp sẽ có một năm đầy thách thức phía trước. (Nguồn: AP)

Từ ngày 1/1, Hy Lạp đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) với cam kết của chính phủ sẽ đưa đất nước ra khỏi giai đoạn 6 năm suy thoái, duy trì cân bằng ngân sách và chấm dứt một cách hiệu quả cuộc khủng hoảng tài chính ở Khu vực đồng euro.

Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới, Thủ tướng Antonis Samaras tuyên bố Hy Lạp sẽ chấm dứt thời kỳ suy thoái liên tục với triển vọng tăng trưởng mới kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, thực tế Hy Lạp đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Mặc dù hầu hết gói cứu trợ tài chính trị giá 240 tỷ euro (330 tỷ USD) đã được giải ngân, nhưng Hy Lạp vẫn có mức nợ công không ổn định, có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định chính trị, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tới 25% và xu hướng đói nghèo gia tăng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Hy Lạp chính là các khoản nợ công quá lớn, chiếm tới 176% GDP trong năm 2013.

Tính đến nay, sự sụp đổ của nền tài chính Hy Lạp đã làm nước này mất đi gần 1/4 tổng giá trị nền kinh tế và khoảng 1 triệu việc làm.

Từ mức 7,2% trước thời kỳ suy thoái năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp đã bùng nổ và lên tới 27% trong quý III năm ngoái, đưa Hy Lạp trở thành quốc gia có tình trạng việc làm tồi tệ nhất trong số 34 nền kinh tế phát triển theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Khoảng 70% số người thất nghiệp không có việc làm trong hơn một năm, hầu hết phải sống dựa vào hỗ trợ từ thiện khi không còn trợ cấp lương hay bảo hiểm y tế. Hơn nữa, những người không có việc làm sẽ không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế công.

Một vấn đề khác của Hy Lạp là nước này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Samaras trong vòng 18 tháng qua từ chỗ chiếm 179 ghế trong quốc hội đã giảm xuống chỉ còn 153 vào thời điểm hiện tại.

Trong một cuộc bỏ phiếu gần đây, đảng của ông Samaras còn đứng sau cả đảng Cánh tả Syriza, đảng chủ trương đàm phán lại hoặc hủy bỏ các thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế với lý do chúng không đem lại sự phục hồi mà chỉ là một thảm họa về mặt xã hội.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri cho đảng cánh hữu "Bình minh vàng" vẫn ở mức khá cao 9%, bất chấp việc một số lãnh đạo đảng đang bị tạm giam do các cáo buộc hoạt động tội phạm.

Dù sao, tình hình tài chính của Hy Lạp cũng đang có những cải thiện nhất định, khi chi tiêu được kiểm soát và quy mô khu vực công từng một thời quá lớn được thu hẹp.

Nhiều thông tin tốt khác cũng trở lại, như mức xếp hạng tín nhiệm nợ được cải thiện, thị trường chứng khoán Athens tăng 28% trong năm 2013, đưa giá cổ phiếu gần bằng thời kỳ trước suy thoái, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tính đến cuối năm ngoái chỉ còn 8,42%, so với mức 13% hồi tháng 3./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục