Hy Lạp có thể lại rơi vào bế tắc lập chính phủ mới

Thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng ND và đảng Syriza sẽ bất phân thắng bại trong bầu cử và khi đó chính trị Hy Lạp lại rơi vào bế tắc.
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 30/5, đảng Dân chủ Mới (ND) ủng hộ kế hoạch cứu trợ vỡ nợ dành cho Hy Lạp và đảng Syriza phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" ở nước này sẽ giành số phiếu ngang nhau trong cuộc bầu cử lại cơ quan lập pháp, dự kiến vào ngày 17/6 tới.

Nếu kịch bản này xảy ra, Hy Lạp có thể lại rơi vào bế tắc chính trị trong đàm phán thành lập chính phủ mới.

Cuộc thăm dò dư luận do công ty GPO thực hiện cho kênh truyền hình Mega cho thấy ND sẽ giành 23,4% số phiếu bầu, chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ 22,1% dành cho Syriza.

Cuộc thăm dò do Viện VPRC tiến hành cho kết quả trái ngược đôi chút với 30% số phiếu bầu dành cho Syriza và 26,5% cho ND.

Trong khi đó, Pasok - đảng có truyền thống cầm quyền lâu năm nhưng đã mất nhiều phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 6/5 vừa qua vì những biện pháp khắc khổ mà đảng này khởi xướng - vẫn phải trả giá trong cuộc bầu cử lại sắp tới với 13,5% số phiếu theo cuộc thăm dò của GPO và 12,5% số phiếu theo cuộc thăm dò của VPRC.

Kết quả một loạt cuộc thăm dò khác công bố cuối tuần qua cho thấy ND có khả năng giành chiến thắng với từ 23,3%-25,8% số phiếu bầu, đồng nghĩa đảng này sẽ phải tìm kiếm đối tác để thành lập chính phủ.

Trong cuộc thăm dò của GPO, 52% số người được hỏi cho rằng Hy Lạp nên thực hiện thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu nước này muốn tiếp tục ở lại Khu vực đồng ơrô. Hơn 80% muốn Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu "bằng mọi giá", trong khi 77,8% muốn sửa đổi các điều kiện nhận cứu trợ.

Trong cuộc thăm dò của VPRC, Chủ tịch ND Antonis Samaras, Chủ tịch Syriza Alexis Tsipras và Chủ tịch Pasok Evangelos Evangelos có cơ hội ngang nhau để trở thành thủ tướng với tỷ lệ tán thành là 15% dành cho mỗi người.

Kết thúc cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 6/5 vừa qua ở Hy Lạp, không đảng nào hội đủ đa số ghế quá bán để giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. ND bảo thủ dẫn đầu, nhưng cũng chỉ giành 19,18% số phiếu, tương đương 109 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội, ít hơn nhiều so với 151 ghế cần thiết để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Syriza cánh tả về thứ hai với 16,3% số phiếu (tương đương 50 ghế). Đảng Pasok theo đường lối xã hội chỉ đứng thứ ba với 13,6% số phiếu, được 42 ghế.

Chín ngày đàm phán thành lập chính phủ mới sau tổng tuyển cử đã liên tục thất bại do những ý kiến trái chiều giữa 2 đảng giành nhiều ghế nhất về kế hoạch cứu trợ dành cho Hy Lạp. Tổng thống nước này Karolos Papoulias ngày 16/5 vừa qua buộc phải tuyên bố Hy Lạp sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lại vào ngày 17/6 tới. Đây là cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần thứ hai chỉ trong vòng sáu tuần ở Hy Lạp và được coi là "phép thử" đối với tư cách thành viên Hy Lạp trong Khu vực đồng euro.

Đã có tin đồn Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Khu vực đồng euro nếu chính phủ mới ở nước này không theo đuổi những cải cách mà chính phủ tiền nhiệm đã cam kết thực hiện để được nhận cứu trợ vỡ nợ từ EU và IMF, làm gia tăng mối lo ngại rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tan vỡ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục