Hy Lạp đặt mục tiêu đạt thỏa thuận với các nhà tài trợ vào 20/3

Hy Lạp và các chủ nợ đã nối lại cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua, nhằm đạt được một thỏa thuận vào ngày 20/3 để duy trì dòng tiền cứu trợ mà nước này cần cho việc thanh toán nợ.
Hy Lạp đặt mục tiêu đạt thỏa thuận với các nhà tài trợ vào 20/3 ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 28/2, Hy Lạp và các chủ nợ đã nối lại cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua, nhằm đạt được một thỏa thuận vào ngày 20/3 để duy trì dòng tiền cứu trợ mà nước này cần cho việc thanh toán nợ.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos dự kiến cuộc đàm phán sẽ kéo dài một tuần đến 10 ngày và cho biết mục tiêu là đạt một thỏa thuận sơ bộ tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào ngày 20/3 tới.

Ông nói, đàm phán đã đi đến chỗ mà các bên cần nhất trí về gói các yêu cầu, bao gồm các cải cách, mục tiêu ngân sách sau khi chương trình cứu trợ hiện nay kết thúc vào giữa năm tới và giảm nợ, để trình Quốc hội Hy Lạp thông qua.

Cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng, một phần do tranh cãi giữa Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về giảm nợ và các mục tiêu ngân sách, và triển vọng của Hy Lạp trong năm tới, khi chương trình cứu trợ hiện nay kết thúc và sau đó.

Bế tắc này cuối cùng đã được khai thông tại Brussels (Bỉ) tuần trước, khi Chính phủ Hy Lạp nhất trí thực hiện các cải cách kinh tế, bao gồm giảm mức miễn thuế thu nhập và giảm lương hưu.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019, năm diễn ra bầu cử Quốc hội và chỉ được thực hiện nếu Hy Lạp bỏ lỡ mục tiêu đạt thặng dư ngân sách sơ cấp 3,5% GDP từ năm 2019, với điều kiện bất kỳ tác động nào cũng sẽ được bù đắp đầy đủ.

IMF từng cảnh báo sẽ khoản nợ của Hy Lạp là quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các chủ nợ không giảm nợ cho nước này. IMF đưa ra điều kiện yêu cầu các nước Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới.

Theo IMF, ngay cả khi thực hiện đầy đủ các biện pháp cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm nợ đáng kể để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững. Điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.

Hy Lạp chịu sức ép phải khai thông bất đồng với các nhà tài trợ bởi nếu không nhận được nhận thêm tiền cứu trợ thì nước này sẽ không thể hoàn trả số nợ khoảng 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) đến hạn thanh toán vào giữa tháng Bảy tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục