Hy Lạp đối phó với tình trạng khẩn cấp mới: Khủng hoảng nhập cư

Hy Lạp đã vượt lên trên cả Italy trở thành con đường trung chuyển người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi đến các nước châu Âu khác trong bối cảnh nước này đang hết sức khó khăn về tài chính.
Hy Lạp đối phó với tình trạng khẩn cấp mới: Khủng hoảng nhập cư ảnh 1Người nhập cư tại khu vực cảng Calais, miền bắc Pháp ngày 3/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi cuộc khủng hoảng về tài chính tạm "giảm nhiệt," Hy Lạp lại đối mặt với một tình trạng khẩn cấp mới về khủng hoảng nhập cư, khi nước này trở thành một cánh cửa để dòng người từ Bắc Phi và Trung Đông tràn vào nhằm tìm đường tới các nước khác trong khối EU.

Theo số liệu của Cơ quan về kiểm soát biên giới của EU (Frontex), chỉ tính riêng trong tháng Bảy đã có 50.000 người nhập cư bằng đường biển đến Hy Lạp, vượt quá con số ghi nhận của cả năm 2014.

Con số này cho thấy Hy Lạp đã vượt lên trên cả Italy trong vai trò là con đường trung chuyển người nhập cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở châu Phi đến các nước châu Âu khác.

Tính từ đầu năm cho đến tháng Bảy, đã có 135.000 người đến Hy Lạp, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014, và đã đẩy Hy Lạp, nước tiếp nhận đầu tiên trên hành trình của họ, vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong thời điểm nước này đang gặp rất nhiều vấn đề về tài chính.

Chính phủ Athens cho biết, các con tàu chở đầy người nhập cư xuất phát từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lybia đã tới 4 đảo gần nhất là Lesbos, Chios, Kos và Samos, gây ra một cuộc sự hỗn loạn nghiêm trọng, do các cơ sở tiếp nhận ở đây không đủ khả năng để đón một lượng người lớn đến như thế.

Tổ chức tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) đã cảnh báo về việc các đảo Lesbos, Chios và Kos không có đủ nước sạch và dịch vụ y tế cho người nhập cư, trong khi các chỗ ngủ tạm thời tại các trại tiếp nhận rất hạn chế.

Vincent Cochetel, Giám đốc khu vực châu Âu của UNHCR cho rằng, các nước châu Âu cần phải tăng cường hỗ trợ Hy Lạp trong việc giảm gánh nặng về người nhập cư, tuy nhiên, bản thân Hy Lạp cũng phải "định hướng và điều phối" các chiến dịch liên quan đến người nhập cư.

Ông Cochetel cũng thừa nhận rằng, do tình trạng thiếu chỗ ở tại các trại tiếp nhận tạm thời trên các hòn đảo, rất nhiều người nhập cư bằng đường biển đã phải qua đêm ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp.

Một báo cáo thống kê của EU cho biết, 90% số người cập các cảng của Hy Lạp trên hành trình sang châu Âu đến từ Syria và Afghanistan.

Gil Arias Fernandes, Phó Giám đốc của Frontex, cho rằng, Frontex có trách nhiệm phải hỗ trợ Hy Lạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

"Hai tháng trước, chúng tôi đã yêu cầu EU cấp thêm tài chính và nhân lực để củng cố chiến dịch tìm cứu người di cư trên biển của Frontex cũng như các hoạt động ở Hungary, nhưng chúng tôi chưa nhận được các phương tiện và nhân lực theo như đề nghị," ông nói với nhật báo Italy Il Sole 24 Ore, "Các nước EU cần phải cung cấp thêm nhiều phương tiện cần thiết cho Frontex trong các chiến dịch này."

Trước tình hình trên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng lên tiếng kêu gọi EU hỗ trợ chính phủ Athens. Ông nói hôm 7/8: "Giờ là lúc chúng ta xem xem liệu EU có đoàn kết hay mỗi nước trong khối tự bảo vệ lấy các đường biên giới của mình."

Chính phủ Hy Lạp đã có một cuộc họp khẩn cấp hôm 7/8 để bàn cách đối phó với tình hình khẩn cấp liên quan đến người nhập cư.

Cuộc họp này cũng diễn ra sau khi Ủy viên châu Âu về người nhập cư và vấn đề đối nội Dimitris Avramopoulos thông báo với Tsipras rằng Athens có nguy cơ sẽ không được EU cấp 500 triệu euro để thiết lập một cơ quan nhằm phân bổ các nguồn vốn cho việc tiếp nhận người nhập cư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục