Hy Lạp giảm chi tiêu chính phủ để nhận cứu trợ

Quốc hội Hy Lạp ngày 6/5 đã thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu chính phủ theo yêu cầu của các nước đối tác trong khu vực.
Với tỷ lệ 172/296 phiếu ủng hộ, Quốc hội Hy Lạp ngày 6/5 đã thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ theo yêu cầu của các nước đối tác trong khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để nhận được khoản cứu trợ trị giá 110 tỷ euro nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ tài chính.

Các nghị sĩ thuộc đảng Xã hội và phe cực hữu cũng đã bỏ phiếu ủng hộ gói biện pháp này.

Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" chưa từng có tiền lệ của Chính phủ Hy Lạp nhằm giảm bớt 30 tỷ euro thâm hụt ngân sách, dần đưa mức thâm hụt xuống dưới 3% GDP vào năm 2014 so với mức gần 14% từ năm ngoái.

Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ cắt tiền thưởng của tháng lương thứ 13 và 14 đối với khối hành chính công và người về hưu, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 65 tuổi.

Một ngày trước khi quốc hội thông qua gói biện pháp cắt giảm chi tiêu, hàng chục nghìn người đã biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội và phong tỏa nhiều đường phố ở thủ đô, tạo thành cuộc tổng bãi công với qui mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Hy Lạp.

Giao thông và các hoạt động tại Athens bị tê liệt hoàn toàn do những người biểu tình gây bạo loạn, đốt phá, và đụng độ với cảnh sát.

Cùng ngày, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật điều chỉnh cho phép trích 3,8 tỷ euro (4,9 tỷ USD) trong ngân sách năm 2010 của nước này để viện trợ cho Hy Lạp, coi đây là một phần trong khoản vay trị giá 16,8 tỷ euro của Paris dành cho Athens trong vòng 3 năm.

Trước đó, Pháp cam kết sẽ đóng góp 20,7% trong gói cứu trợ của EU dành cho Hy Lạp, trong đó khoản cứu trợ 3,9 tỷ euro đầu tiên sẽ được kích hoạt trước ngày 19/5, thời điểm đáo hạn các khoản nợ trong năm nay của Hy Lạp.

Trong khi đó, cuộc thương lượng giữa liên minh cầm quyền ở Đức và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập về một nghị quyết chung đối với Hy Lạp đã thất bại. Một phát ngôn viên của nhóm nghị sĩ quốc hội SPD cho biết Chính phủ Đức và phe đối lập đã không nhất trí về một nghị quyết chung viện trợ cho Athens.

Như vậy, dự kiến ngày 7/5, SPD sẽ bỏ phiếu trắng khi thông qua nghị quyết viện trợ cho Athens. Tuy nhiên, do chiếm đa số trong quốc hội, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU và FDP vẫn có thể tự thông qua dự luật viện trợ 22,4 tỉ euro cho Hy Lạp từ nay tới năm 2012.

Mặc dù vậy, liên minh cầm quyền vẫn muốn thuyết phục SPD cùng tham gia kế hoạch trên để phát tín hiệu tích cực đối với dư luận trong và ngoài nước.

Các nhà phân tích cho rằng phản ứng chậm chạp của châu Âu trước cuộc khủng hoảng tài chính công Hy Lạp đã làm tăng sự nghi ngờ của giới đầu tư đối với tình hình kinh tế và khả năng thanh toán nợ của một số nước châu Âu.

Trong những ngày qua, đã xuất hiện nhiều tin đồn trên thị trường tài chính quốc tế về hiệu ứng "domino," sự sụp đổ tài chính dây chuyền trong khu vực đồng euro, từ Hy Lạp có thể lan tới Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí qua cả Pháp, Italy...

Những nguy cơ tiềm ẩn tại khu vực đồng euro trong tương lai gần khiến một số nhà phân tích đưa ra đánh giá rằng "đã đến lúc phải thừa nhận sự thất bại của đồng euro.”

Thậm chí, một số nhà kinh tế bi quan dự báo khu vực đồng euro đến “ngày tận thế,” tức là phải trục xuất một số thành viên không đủ khả năng thực hiện quy định ràng buộc của hiệp ước Maastricht bảo đảm sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu.

Theo Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, bảo đảm sự ổn định của khu vực đồng euro, các nước thành viên phải duy trì mức thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP.

Chính vì quy định này mà các nước dùng đồng euro bị hạn chế khả năng hành động để đối phó với khủng hoảng tài chính. Họ không được phép phá giá đồng tiền để nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm bớt gánh nặng nợ công.

Trong lịch sử quan hệ kinh tế quốc tế, sự tồn tại và lưu hành một đồng tiền luôn gắn liền với việc quản lý một ngân sách.

Khu vực đồng euro là trường hợp độc nhất vô nhị -16 nước dùng một đồng tiền, nhưng việc quản lý ngân sách thuộc thẩm quyền quốc gia. Nói một cách khác, chưa có được một cơ chế điều tiết chung cho toàn khu vực đồng euro này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục