Hy Lạp không ủng hộ trừng phạt Nga xuất phát từ "nóng giận"

Phóng viên TTXVN dẫn nguồn tin của báo Nam Đức cho biết Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias đã lên tiếng chỉ trích chính sách của châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hy Lạp không ủng hộ trừng phạt Nga xuất phát từ "nóng giận" ảnh 1Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin của báo Nam Đức ngày 6/3 cho biết Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias đã lên tiếng chỉ trích chính sách của châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong cuộc trao đổi với báo chí Đức, Ngoại trưởng Kotzias nói: "Đã có tới 14 cuộc gặp cấp bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) về chủ đề Ukraine. Để làm gì? Không còn vấn đề gì khác ở châu Âu hay sao?"

Ông nói thêm: "Tôi không thấy người ly khai thân Nga nào gây ra các vụ tấn công ở Tây Âu, chỉ có các phần tử thánh chiến từ Paris hay Bỉ."

Sau khi nhậm chức, Chính phủ mới theo đường lối cánh tả của Hy Lạp đã bày tỏ hoài nghi về chính sách trừng phạt của EU đối với Nga, song cuối cùng vẫn đồng ý mở rộng danh sách hạn chế đi lại và phong tỏa tài khoản theo lệnh trừng phạt của EU.

Tuy nhiên, giờ đây, ông Kotzias khẳng định Chính phủ Hy Lạp có thể sẽ không dễ dàng thông qua việc kéo dài hay thậm chí là tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Ông cho rằng Hy Lạp ủng hộ những biện pháp trừng phạt "có lý do" như đưa các bên trở lại bàn đàm phán, song sẽ không ủng hộ việc trừng phạt xuất phát từ sự "nóng giận" và dẫn tới sự đổ vỡ trong quan hệ giữa EU với Nga.

Ngoại trưởng Kotzias còn ám chỉ mối liên hệ giữa khủng hoảng nợ ở nước này với việc EU trừng phạt Nga. Theo ông, Hy Lạp cũng là nạn nhân của một trong số các biện pháp trả đũa khi Nga cấm nhập khẩu rau quả từ EU.

Đồng thời, ông Kotzias đã lên án chính sách đối ngoại kiểu "tiêu chuẩn kép" của EU. Theo ông, khi Nga sáp nhập Crimea thì bị EU trừng phạt, song khối này lại bằng lòng với việc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng một phần của Cộng hòa Síp, quốc gia thuộc EU.

Hồi đầu tháng Hai, Ngoại trưởng Kotzias từng tuyên bố EU cần phải chấm dứt ngay các hành động chống lại Nga và khẳng định Hy Lạp sẽ không đứng bên ngoài các vấn đề của châu Âu chỉ vì nước này đang trong tình trạng nợ nần.

Đây được cho là sự phản ánh một phần chính sách đối ngoại thân thiện với Nga của chính quyền mới tại Athens./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục