"Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ là thảm họa kinh tế"

Thủ tướng Đức Merkel khẳng định, việc để Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ là sai lầm "thảm họa" về kinh tế.
Việc để Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ là sai lầm "thảm họa" về kinh tế và chính trị, vì nó sẽ làm suy yếu trầm trọng liên minh tiền tệ này.

Trả lời phỏng vấn của hãng BBC ngày 26/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra tuyên bố trên, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện Hy Lạp đang phải đối mặt với thời kỳ hết sức khó khăn. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải giữ Athens ở lại trong Eurozone, ngược lại, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ hiệu ứng domino dẫn đến suy đoán rằng sẽ có thêm nhiều nước từ bỏ việc sử dụng đồng tiền chung này.

Động thái này cho thấy Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ngày càng thể hiện vai trò "đầu tàu" của mình trong việc giải cứu cuộc khủng khoảng nợ công ở châu Âu. Trước đó, Đức cũng đã lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn tài chính để giúp Eurozone thoát khỏi nợ nần.

Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc gặp ở Berlin (Đức) do các ngân hàng tư nhân tổ chức, Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng Eurozone đang thoát khỏi khủng hoảng, những dấu hiếu ổn định tài chính đang được củng cố, không có dấu hiệu lạm phát gia tăng và hoạt động kinh tế khả quan.

[Hy Lạp thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai]

Tuy nhiên, ông Draghi cũng thừa nhận hồi tháng 11/2011, thị trường tài chính Eurozone đứng bên bờ vực mất tính thanh khoản do cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra. Theo ông Draghi, hiện cần khoảng hơn 1.000 tỷ euro để bình ổn hệ thống ngân hàng ở lục địa già./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục