Hy Lạp sẽ trở lại các thị trường trái phiếu vào năm 2017

Ngày 14/5, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố nước này sẽ trở lại các thị trường trái phiếu vào năm 2017, sau 7 năm mất quyền tiếp cận các thị trường do khủng hoảng nợ.
Hy Lạp sẽ trở lại các thị trường trái phiếu vào năm 2017 ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/5, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố nước này sẽ trở lại các thị trường trái phiếu vào năm 2017, sau 7 năm mất quyền tiếp cận các thị trường do khủng hoảng nợ.

Ông Tsipras đưa ra tuyên bố trên khi trả lời phỏng vấn tuần báo Realnews.

Hy Lạp tiếp tục huy động vốn thông qua trái phiếu ngắn hạn và rủi ro thấp, song nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không được tiếp cận các thị trường trái phiếu trung và dài hạn kể từ năm 2010, thời điểm Athens bắt đầu phải "cầu cứu" các gói cứu trợ tài chính trị giá hàng tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Kể từ đó, Hy Lạp chỉ có 2 lần trở lại thị trường trái phiếu trung hạn trong một giai đoạn tăng trưởng nhẹ ngắn ngủi vào năm 2014.

Hiện Hy Lạp đang chờ được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro mà quốc gia này đạt được hồi năm ngoái với các chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ chế Bình ổn châu Âu và IMF.

Bên cạnh đó, Athens cũng mong chờ quá trình đàm phán giãn nợ sẽ được khởi động theo hứa hẹn từ các quốc gia Eurozone khi Thủ tướng Tsipras đảm bảo sẽ trả nợ cho ECB 2,6 tỷ USD vào tháng Bảy tới.

Dự kiến, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ nhóm họp vào ngày 24/5 tới nhằm đưa ra quyết định về việc giải ngân khoản viện trợ tiếp theo cho Hy Lạp.

Những bất đồng về các biện pháp cắt giảm lương hưu và xử lý nợ xấu được cho là những cản trở chính trong các cuộc đàm phán giữa các bên.

Ngày 8/5 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới để đổi lấy khoản tiền cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế nhằm trang trải cho quốc gia đang ngập trong nợ nần này.

Những biện pháp cải cách mới gây tranh cãi này bao gồm điều khoản cắt giảm mức lương hưu nhằm giúp Hy Lạp có thể tiết kiệm được 1,8 tỷ euro.

Ngoài ra, việc tăng thuế cũng giúp ngân sách nhà nước Hy Lạp thu về một khoản trị giá 1,8 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục