Hy Lạp thay đổi thành phần của Ủy ban xét duyệt tị nạn

Trong tuần tới Ủy ban xét duyệt tị nạn mới của hy Lạp sẽ hoạt động nhằm đẩy nhanh công tác đưa người di cư không đủ điều kiện trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hy Lạp thay đổi thành phần của Ủy ban xét duyệt tị nạn ảnh 1 Người tị nạn Syria chờ sơ tán khỏi trại tị nạn gần Idomeni ở khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 5/7, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yannis Mouzalas thông báo trong tuần tới Ủy ban xét duyệt tị nạn mới sẽ hoạt động nhằm đẩy nhanh công tác đưa người di cư không đủ điều kiện trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng Sáu vừa qua, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua quyết định thay thế hai trong số ba thành viên của ủy ban xét duyệt tị nạn bằng các thẩm phán.

Trước đó, ủy ban này hoạt động với ba thành viên, bao gồm một viên chức nhà nước, một thành viên của Hội đồng nhân quyền quốc gia và một đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Ông Mouzalas hy vọng với sự thay đổi này, ủy ban sẽ hoạt động nhanh và hiệu quả hơn.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp đang phải hứng chịu những chỉ trích từ phía Liên minh châu Âu (EU) vì chậm chạp trong quá trình xét duyệt gửi trả người tị nạn không đủ điều kiện về Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận mà liên minh này và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hồi tháng Ba vừa qua.

Giới chức Hy Lạp cho biết hiện có 8.000 người di cư đang sống vật vờ tại các đảo của Hy Lạp. Hầu hết đều mong muốn xin tị nạn tại đây khiến hệ thống xét duyệt tị nạn địa phương bị quá tải.

Hy Lạp thay đổi thành phần của Ủy ban xét duyệt tị nạn ảnh 2Một cuộc biểu tình phản đối người nhập cư tại Séc. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Trong một động thái liên quan, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã chỉ trích Séc cùng ba quốc gia còn lại trong Nhóm Visegrad (nhóm V4) là Slovakia, Ba Lan và Hungary không chấp thuận việc tiếp nhận người di cư.

Ông Cornelius William, Phó Giám đốc Ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF, đã phê phán bốn nước trên do từ chối hạn ngạch tiếp nhận người di cư do Ủy ban châu Âu (EC) phân bổ. Ông nhấn mạnh EU cần phải đoàn kết và các quốc gia đã từng nhận được sự ủng hộ của quốc tế không được quên điều đó.

Cũng theo ông William, hiện có khoảng 250 triệu trẻ em đang sống tại các vùng chiến sự, do vậy các quốc gia cùng các tổ chức quốc tế cần chung tay giúp các em vượt qua khó khăn này.

Trong năm 2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một gói biện pháp cải cách chính sách nhập cư của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc nếu số người di cư đổ dồn vào một trong các nước EU thì sẽ được phân bổ tới các quốc gia thành viên khác và nước nào không tiếp nhận sẽ bị phạt 250.000 euro/một người di cư bị từ chối.

Đề xuất này đã vấp phải sự phải đối quyết liệt của các nước V4 do họ cho rằng đó là “sự áp đặt của các quốc gia lớn đối với các quốc gia nhỏ.” Mới đây nhất, ngày 6/6, Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech và Chủ tịch Quốc hội Slovakia Andrej Danko một lần nữa khẳng định hai nước này tiếp tục phản đối chính sách phân bổ hạn ngạch của EU, cũng như không chấp nhận bất kỳ hình phạt nào từ EU.

Chính phủ các nước V4 đang chịu sức ép lớn từ phía người dân khi liên tiếp phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối người di cư và nhập cư. Tỷ lệ người dân đồng ý tiếp nhận người di cư tại các nước V4 đang rất thấp và ngày càng giảm dần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục