Chấp thuận "được cứu"

Hy Lạp thông qua thỏa thuận liên quan gói cứu trợ

Sáng 11/2, Hy Lạp thông qua thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ và những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà EU và IMF yêu cầu thực hiện.
Đầu giờ sáng 11/2, Nội các Hy Lạp đã thông qua thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ và những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu Athens phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ vỡ nợ thứ hai từ các thể chế này.

Hãng thông tấn Athens của Hy Lạp (ANA) cho biết thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ - bao gồm các biện pháp nhằm tái huy động vốn cho các ngân hàng Hy Lạp, cho phép Thủ tướng Lucas Papademos và Bộ trưởng Tài chính ký thỏa thuận cứu trợ và kế hoạch hoán đổi nợ (trái phiếu) với các chủ nợ tư nhân - đã được trình lên Quốc hội để cơ quan này tiến hành bỏ phiếu trong ngày mai (12/2).

Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" chi tiết được đưa vào một đạo luật, sẽ được đưa ra bàn thảo trong 2 tuần tới.

Hy Lạp đã khai thông bế tắc trong tiến trình đàm phán kéo dài nhiều ngày qua giữa các đảng tham gia liên minh cầm quyền sau khi tại cuộc họp cùng ngày, Thủ tướng Papademos cảnh báo nếu Athens không đạt thỏa thuận về cứu trợ vỡ nợ và nếu Hy Lạp vỡ nợ công vào tháng Ba tới thì "xứ sở thần thoại" sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn về kinh tế và xã hội không thể kiểm soát được; đồng thời sớm muộn sẽ bị trục xuất ra khỏi Khu vực đồng euro.

Ông kêu gọi 3 đảng trong liên minh cầm quyền thực hiện trách nhiệm tại thời điểm mang tính lịch sử này.

Hiện tại, ít nhất 5 nghị sỹ thuộc đảng Pasok theo đường lối xã hội và đảng Dân chủ Mới bảo thủ đã tuyên bố phản đối các biện pháp cắt giảm, trong khi đảng còn lại là LAOS khẳng định cũng hành động tương tự. Tuy nhiên, về nguyên tắc, các văn bản nói trên sẽ giành được sự ủng hộ của 2 đảng hiện đang chiếm đa số là Pasok và Dân chủ Mới.

Gói cứu trợ thứ hai là "phao cứu sinh" giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công vào ngày 20/3 tới, thời điểm Hy Lạp phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 9/11/2011, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro đã hoãn đưa ra quyết định về vấn đề này nhằm giúp Hy Lạp có thêm một tuần để đáp ứng những điều kiện nhận cứu trợ cứng rắn như cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và cam kết bằng văn bản với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục