Hy vọng nào cho thỏa thuận Brexit "kế hoạch B"?

Nỗ lực phút chót của Anh nhằm định hình thỏa thuận Brexit rơi vào tình trạng "chết đứng" ngày 17/1 vừa qua khi bà May và lãnh đạo Công đảng đối lập từ chối thay đổi lập trường về nội dung thỏa thuận.
Hy vọng nào cho thỏa thuận Brexit "kế hoạch B"? ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters và AFP đưa tin, nỗ lực phút chót của Anh nhằm định hình một thỏa thuận "ly hôn" đối với Liên minh châu Âu (EU) (Brexit), một cuộc chính biến lớn nhất trong vòng 50 năm qua, đã rơi vào tình trạng "chết đứng" ngày 17/1 khi Thủ tướng Theresa May và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đều từ chối thay đổi lập trường của mình về nội dung thỏa thuận Brexit.

Trong một thất bại thảm hại nhất đối với một lãnh đạo Anh trong lịch sử hiện đại, thỏa thuận "ly hôn" mà nữ lãnh đạo dày công đạt được sau 2 năm đã bị quốc hội thẳng tay xóa bỏ.

Giờ thì bà May phải lên tiếng đề nghị giới lãnh đạo đảng phái gạt bỏ tư lợi để cùng tìm ra một giải pháp. Thế nhưng, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai đảng chính sẵn sàng thỏa hiệp đối với những đòi hỏi chủ chốt của mình.

Lãnh đạo Công đảng Corbyn chỉ trích bà May thậm tệ khi nói rằng bà đã đẩy Anh đến bên bờ vực với một thỏa thuận Brexit không có thời kỳ chuyển giao đồng thời kêu gọi bà phải từ bỏ những "giới hạn đỏ" về Brexit.

Ông Corbyn cũng khăng khăng đòi thực hiện yêu cầu tiên quyết cho các cuộc đàm phán - cam kết không để xảy ra tình trạng Brexit không thỏa thuận.

Đáp lại, bà May cho rằng đó là "một điều kiện không thể đáp ứng được" và kêu gọi ông tham gia các cuộc thảo luận liên đảng.

Bà May càng tìm cách tiến tới một Brexit "mềm" thì bà càng trở nên xa rời lực lượng ủng hộ Brexit hết lòng trong chính đảng Bảo thủ của mình, những người cho rằng nguy cơ rời EU không thỏa thuận là một con bài mặc cả lớn và chẳng có gì phải lo sợ.

Trong cuộc đối thoại với nghị sỹ, trong đó có nghị sỹ của Công đảng, nếu bà May không tạo ra được sự đồng thuận thì nền kinh tế lớn thứ năm thế giới này sẽ phải rời EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận hoặc sẽ buộc phải trì hoãn quá trình Brexit, có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Tổng tuyển cử?

Ông Corbyn muốn bà May tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, điều mà bà đã từ chối sau khi mất thế đa số ở quốc hội trong cuộc bầu cử bất ngờ hồi năm 2017 khiến bà phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của một đảng nhỏ ủng hộ Brexit của Bắc Ireland.

Bà cũng chẳng mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai khi cho rằng điều này sẽ làm xói mòn niềm tin đối với nền dân chủ. Còn người phát ngôn của bà May nói rằng Anh không có ý định trì hoãn quá trình rời khỏi EU.

Bà May trình các bước đi tiếp theo vào ngày 21/1 vừa qua. Sau đó, nghị sỹ quốc hội sẽ đề xuất các phương án. Ngày 29/1, quốc hội sẽ thảo luận về những đề xuất trước khi bỏ phiếu.

Nếu đạt được sự ủng hộ đa số ở quốc hội cho những đề xuất mới này, bà May có thể sẽ trở lại "gõ cửa" EU và tìm cách đạt được những thay đổi cho thỏa thuận Brexit.

Quốc hội Anh vẫn sẽ cần bỏ phiếu đối với bất kỳ thỏa thuận mới nào và không rõ khi nào mới có cuộc bỏ phiếu tiếp theo.

[Chủ tịch Hạ viện Anh: Thời hạn Brexit có thể bị hoãn vài tuần]

Công đảng tuyên bố sẽ ủng hộ một thỏa thuận với điều kiện duy trì liên minh hải quan lâu dài với EU, giữ mối quan hệ chặt chẽ với thị trường chung châu Âu và có được sự bảo vệ tốt hơn đối với công nhân và người tiêu dùng Anh.

Trong khi đó, phần lớn nghị sỹ đảng Bảo thủ lại phản đối việc duy trì liên minh hải quan với EU vì điều này sẽ cản trở London có được một chính sách thương mại độc lập.

Nếu không có thỏa thuận nào, thương mại giữa Anh với EU sẽ mặc nhiên tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, một viễn cảnh đầy lo lắng đối với các nhà sản xuất phụ thuộc vào các nguồn cung đơn giản.

EU thấp thỏm

Trong bối cảnh Anh rơi vào cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, các nước thành viên EU cũng chẳng thể yên lòng, đành gợi mở thêm các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để Anh rời EU với một thỏa thuận." Còn nhà đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cho biết liên minh để ngỏ khả năng có một thỏa thuận "tham vọng hơn" thỏa thuận bà May đã đạt được với Brussels trước đó. Thế nhưng, EU sẽ chẳng thể giúp gì hơn khi không biết đích xác Anh muốn gì.

Giới chức Anh cũng chẳng nhất trí được về cách thức chia tay EU hoặc liệu có nên chia tay EU hay không, dù đã trải qua cuộc trưng cầu dân ý rời liên minh.

Thế nên, nếu có một giải pháp nào đó cho cuộc chia tay nhùng nhằng này, giải pháp đó có thể nằm trong tay của giới nghị sỹ là thành viên mới trong quốc hội Anh.

Hãng tin AFP cho rằng EU sẵn sàng trì hoãn quá trình Brexit cho đến khi kết thúc các cuộc bầu cử ở châu Âu vào tháng Năm vừa qua hoặc cho đến khi khai mạc phiên họp nghị viện châu Âu đầu tiên ở Strasbourg của Pháp vào ngày 2/7 tới, song không phải bằng mọi giá.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết lãnh đạo EU sẽ chỉ giải đáp câu hỏi liệu có thể trì hoãn Brexit hay không nếu bà May đưa ra câu hỏi này, song ngày Brexit sẽ vẫn giữ nguyên là 29/3 tới.

Mặc dù vậy, các nguồn tin ngoại giao ở châu Âu xác nhận rằng đã có các cuộc thảo luận không chính thức về việc hoãn ngày Brexit khi họ chờ đợi động thái tiếp theo của bà May.

Theo các nguồn tin này, Brexit có thể được trì hoãn trong trường hợp Anh đưa ra thông báo muốn ở lại liên minh và được 27 thành viên chấp thuận. Trường hợp trì hoãn Brexit thứ hai là Anh tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử hoặc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit.

Trong trường hợp thứ hai, London cần phải tiến hành khẩn trương, trong vòng chỉ vài tuần, trước khi diễn ra đợt bầu cử nghị viện châu Âu mới vào tháng Năm tới.

Một quan chức ngoại giao EU quan ngại Anh có thể lợi dụng "lỗ hổng" này để buộc EU phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán Brexit. Mặc dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng Brussels có thể tìm cách né tránh đưa ra một thời hạn chót cứng rắn đối với Anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục