IAEA: Dự trữ nguyên liệu hạt nhân của Iran vẫn trong giới hạn

Theo báo cáo thường kỳ IAEA, cơ quan này khẳng định Iran vẫn duy trì lượng dữ trữ urani làm giàu cũng như nước nặng dưới mức trần quy định trong JCPOA.
IAEA: Dự trữ nguyên liệu hạt nhân của Iran vẫn trong giới hạn ảnh 1Kỹ thuật viên Iran làm việc tại nhà máy làm giàu urani ở Isfahan, tháng 11/2004. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 31/5 công bố báo cáo cho biết lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân của Iran vẫn trong phạm vi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với các cường quốc phương Tây năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong báo cáo thường kỳ mới nhất gửi tới từng nước thành viên của IAEA, cơ quan này khẳng định Iran vẫn duy trì lượng dữ trữ urani làm giàu cũng như nước nặng dưới mức trần quy định trong JCPOA, mặc dù Tehran hồi đầu tháng Năm này tuyên bố Iran không còn bị ràng buộc vởi những quy định giới hạn trong thỏa thuận này.

Cụ thể, báo cáo trên cho biết tính đến ngày 26/5, Iran có 125,2 tấn nước nặng, tăng 0,4 tấn so với tháng 2/2019, song vẫn thấp hơn mức giới hạn 130 tấn theo quy định trong JCPOA.

Ngoài ra, nhà máy sản xuất nước nặng của Iran đã ngừng hoạt động từ ngày 25/4-22/5.

Tính đến ngày 20/5, Iran có 174,1 kg urani làm giàu, tăng hơn 10kg so với tháng Hai, song vẫn dưới mức giới hạn 300kg theo thỏa thuận.

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.

Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận, với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Ngày 8/5, Iran tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện, một động thái được cho là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như gia tăng sức ép đối với các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân trước sức ép từ phía Mỹ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục