IAEA: Iran vẫn mở rộng các hoạt động hạt nhân

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 5/6 cho biết Iran vẫn đang tiếp tục mở rộng các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi, bất chấp yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), và tới nay đã có được 1.339 kg urani làm giàu ở cấp độ thấp (UF6).

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 5/6 cho biết Iran vẫn đang tiếp tục mở rộng các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi, bất chấp yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), và tới nay đã có được 1.339 kg urani làm giàu ở cấp độ thấp (UF6).
 
Theo báo cáo mới của IAEA, "từ ngày 18/11/2008 đến 31/5/2009, Iran ước tính đã sản xuất được tổng cộng 500kg urani làm giàu ở cấp độ thấp UF6" tại cơ sở hạt nhân Natanz. Trước đó, nước này cũng đã tích lũy được 839kg urani làm giàu ở cấp độ thấp UF6.
 
Mặc dù có những đánh giá khác nhau, song giới phân tích cho rằng để chuyển hóa thành urani làm giàu ở cấp độ cao - thích hợp cho việc chế tạo một quả bom nguyên tử, thì phải cần khoảng 1.000-1.700kg urani làm giàu ở cấp độ thấp.
 
Ngoài ra, IAEA cũng cho biết Iran đã phát triển hơn 7.000 máy ly tâm làm giàu urani tại cơ sở Natanz (con số này trong báo cáo hồi tháng 2/2009 mới chỉ là 5.000).
 
Cũng trong báo cáo, IAEA cho biết họ đã phát hiện các dấu vết urani "do con người chế tạo" tại khu vực thứ hai ở Syria, làm dấy lên quan ngại về khả năng có hoạt động hạt nhân ngầm tại quốc gia Arập này.
 
IAEA bắt đầu điều tra các hoạt động sản xuất hạt nhân ở Syria từ năm ngoái, sau khi Mỹ công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Syria từng có một lò phản ứng hạt nhân bí mật tại Al-Kibar.
 
Các thông tin tình báo Mỹ còn cho biết lò phản ứng hạt nhân này được xây dựng với sự hỗ trợ của CHDCND Triều Tiên. Song, phía Syria kiên quyết phản đối cáo buộc của Mỹ, phủ nhận mọi hợp tác hạt nhân với Triều Tiên, đồng thời từ chối thảo luận về những bức ảnh nói trên.
 
Cho đến nay, Syria vẫn khẳng định tất cả những mảnh urani mà các thanh sát viên IAEA tìm được ở Al-Kibar là tàn dư của các tên lửa mà Israel đã bắn vào căn cứ này trong các vụ pháo kích tháng 9/2007.
 
Hiện Damascus vẫn từ chối các yêu cầu của IAEA cung cấp những tài liệu chứng minh rằng nước này không có hoạt động hạt nhân bí mật, hoặc cho phép các thanh sát viên LHQ tiếp cận các căn cứ quân sự của Syria./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục