IAEA: Không có căn cứ để tự mãn về an toàn hạt nhân

IAEA: Không có căn cứ để các nước tự mãn về an toàn hạt nhân

Theo báo cáo dự kiến trình Hội nghị thường niên của IAEA vào tháng Chín năm nay, không có căn cứ để các quốc gia tự mãn về an toàn hạt nhân.
IAEA: Không có căn cứ để các nước tự mãn về an toàn hạt nhân ảnh 1Nhân viên Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại phòng vận hành trung tâm của lò phản ứng số 1 và số 2, nhà máy điện Fukushima số 1 ngày 10/3/2014, gần 3 năm sau sự cố điện hạt nhân. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo dự kiến trình Hội nghị thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ diễn ra vào tháng Chín năm nay, không có căn cứ để các quốc gia tự mãn về an toàn hạt nhân.

Báo cáo của IAEA cảnh báo rằng: “Có thể sẽ không có căn cứ để bất kỳ nước nào tự mãn về an toàn hạt nhân của mình. Một số các nhân tố gây ra sự cố Fukushima 1 đã không còn là của riêng Nhật Bản.”

IAEA kêu gọi các nước sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng năng lượng hạt nhân cần nỗ lực cải thiện cơ chế an toàn dựa trên những kinh nghiệm mới và cần có sự chuẩn bị để đối phó với thiên tai hơn là dự đoán chúng khi nhà máy điện hạt nhân đã hoàn tất thiết kế.

Trong bản dự thảo báo cáo dày 240 trang mà hãng thông tấn Kyodo thu thập được hôm 24/5, IAEA đã lên tiếng chỉ trích Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và nhà chức trách pháp quy Nhật Bản đã không ngăn chặn được thảm họa nhà máy điện Fukushima 1 hồi năm 2011 mặc dù biết rõ nguy cơ sóng thần có thể tấn công nhà máy.

Theo báo cáo trên, Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc này khẳng định Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 “bộc lộ một số điểm yếu theo đó không được đánh giá một cách đầy đủ về xác suất an toàn dựa trên các tiêu chuẩn mà IAEA khuyến cáo.”

Báo cáo được 180 chuyên gia đến từ 42 quốc gia biên soạn dự kiến sẽ trình lên hội nghị thường niên của IAEA vào tháng Chín năm nay sau khi ban lãnh đạo của cơ quan này thẩm tra trong tháng Sáu tới.

Báo cáo xác định các nguyên nhân và hệ quả của thảm họa Fukushima cũng như những bài học rút ra và được cho là sẽ trở thành tài liệu tham khảo về các biện pháp an toàn hạt nhân trên khắp thế giới.

Theo IAEA, cách tiếp cận mới áp dụng từ khoảng giữa năm 2007-2009 đã đưa ra giả thuyết một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter ở ngoài khơi Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản, có thể sẽ gây ra sóng thần cao 15m tấn công nhà máy số 1 và làm ngập tòa nhà chính.

Bất chấp phân tích trên, TEPCO, Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (NISA) (nay đã giải thể) và các tổ chức khác đã không có biện pháp nào để đối phó với trận sóng thần lớn, mà chỉ quyết định “cần nghiên cứu và điều tra thêm.”

TEPCO không có cách biện pháp bổ sung tạm thời nhằm đối phó với các tính toán ngày càng tăng về chiều cao của sóng thần và NISA cũng không yêu cầu TEPCO phải hành động kịp thời đối với các kết quả trên.

IAEA khẳng định: “Trước khi xảy ra sự cố, chưa hề có sự cân nhắc đều đủ đến khả năng thấp, các yếu tố ngoại lai tác động gây hậu quả lớn vẫn không được tìm thấy. Đây phần nào là giả thuyết cơ bản ở Nhật Bản, được tăng cường qua nhiều thập kỷ theo đó sự kiên cố trong thiết kế kỹ thuật của các nhà máy điện hạt nhân sẽ mang lại khả năng bảo vệ đầy đủ trước các nguy cơ rõ ràng.”

Kết quả là TEPCO đã không thực hiện đầy đủ đánh giá an toàn theo đề nghị của IAEA và thiếu biện pháp bảo vệ cho các máy phát điện dự phòng trong tình huống khẩn cấp, phòng nhiên liệu và thiết bị cầu dao trước nguy cơ ngập lụt do sóng thần.

Báo cáo khẳng định: “Đơn vị điều hành đã không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống mấy điện đồng loạt các thiết bị và mất khả năng làm lạnh do sóng thần gây ra. Mặc dù TEPCO chưa triển khai bản hướng dẫn quản lý sự cố nghiêm trọng nhưng họ đã không lường được các sự kiện xảy ra cùng lúc.”

Điều này cũng cho thấy việc thiếu đào tạo phù hợp cho các công nhân tại Nhà máy điện Fukushima 1./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục