ICC mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Mali

Tòa án Hình sự Quốc tế ngày 16/1 đã mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Mali, nơi binh sỹ Pháp đang chống lại phiến quân Hồi giáo.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 16/1 đã mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Mali, nơi binh sỹ Pháp đang chiến đấu chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo đã chiếm đóng 50% lãnh thổ quốc gia Tây Phi này kể từ tháng 4/2012.

Chánh án ICC Fatou Bensouda trong một tuyên bố nêu rõ: "Các nhóm vũ trang khác nhau đã tàn phá và gây đau khổ cho người dân với hàng loạt hành động bị nghi ngờ là cực kỳ bạo lực. Tôi thấy rằng một vài trong số những hành động tàn bạo và hủy diệt này có thể cấu thành tội ác chiến tranh."

Theo chánh án này, cuộc điều tra sẽ tập trung vào những hành động tội ác xảy ra tại khu vực miền Bắc Mali do phiến quân kiểm soát.

Trong khi đó, những giao tranh tại Mali giữa quân đội nước này được lực lượng Pháp hỗ trợ với phiến quân Hồi giáo vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 16/1, bộ binh Pháp đã tham chiến tại thị trấn Diabali, phía Bắc thủ đô Bamako của Mali, nơi các tay súng Hồi giáo chiếm giữ hai ngày trước đó.

Một nguồn tin an ninh giấu tên của Mali cho biết quân đội Mali cũng được triển khai tại đây. Đụng độ đã diễn ra cách không xa thị trấn Konna, địa điểm phiến quân chiếm đóng hồi tuần trước dẫn tới sự can thiệp của lực lượng Pháp.

Quân đội Pháp cho biết họ đã giành quyền kiểm soát một cây cầu chiến lược trên sông Niger gần thị trấn Markala, phía Nam thị trấn Diabali và một tuyến đường quan trọng tới thủ đô Bamako.

[Pháp sẽ “từng bước triển khai” 2.500 quân tới Mali]

Cộng đồng khu vực tiếp tục có những động thái mạnh mẽ nhằm giải quyết cuộc xung đột Mali.

Ngày 16/1, Ngoại trưởng Cộng hòa Chad tuyên bố nước này sẽ gửi 2.000 binh sỹ tham gia chiến dịch chống phiến quân ở miền Bắc Mali.

Lực lượng này sẽ hợp tác chặt chẽ với quân đội Mali và lực lượng đa quốc gia Tây Phi.

Trước tuyên bố của Chad, tham mưu trưởng quân đội các quốc gia Tây Phi cho biết 2.000 binh sỹ lực lượng này sẽ tới Bamacô trước ngày 26/1.

Theo kế hoạch được Liên hợp quốc thông qua, một lực lượng khu vực gồm 3.000 binh sỹ sẽ được triển khai với sự góp quân của Nigeria, Niger, Burkina Faso, Togo, Senegal, Guinea và Ghana.

Quốc tế cũng thể hiện sự hỗ trợ cho sứ mệnh chống phiến quân Hồi giáo tại Mali. Ngày 16/1, Đức cam kết cung cấp hai máy bay vận tải quân sự Transall, chủ yếu được sử dụng để vận chuyển binh sỹ châu Phi.

Italy cũng khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cho cuộc tấn công quân sự tại Mali.

Cùng ngày, Nga tuyên bố ủng hộ các nỗ lực quốc tế giúp Mali giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước.

Các nước láng giềng với Mali đều đang sẵn sàng ứng khó với những biến động tại quốc gia Tây Phi này.

Ngày 16/1, trong bối cảnh xảy ra vụ bắt cóc 41 con tin nước ngoài tại một cơ sở khí đốt liên doanh ở Algeria mà những kẻ bắt cóc tuyên bố nhằm trả đũa cho việc Algeria mở không phận để lực lượng Pháp không kích phiến quân Hồi giao ở Mali, Bộ trưởng Nội vụ Algeria Dahou Ould Kablia nhấn mạnh nước này đã triển khai mọi biện pháp cần thiết để đối mặt với những tác động từ tình hình Mali.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cuối tuần qua, Nigiê đã đón gần 50.000 người tị nạn mới đến từ Mali.

Trong một tuyên bố ngày 16/1, UNHCR ước tính tổng số người Mali chạy tị nạn sang các nước láng giềng tránh cuộc chiến hiện nay đã lên tới hơn 144.000 người.

Riêng Niger đã đón hàng chục nghìn người Mali chạy tị nạn kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, hầu hết đến từ miền Bắc nơi đầy bất ổn sau khi phiến quân Hồi giáo giành quyền kiểm soát. Niger và Mali chung một đường biên giới hơn 400 km và người dân hai bên cũng chung một ngôn ngữ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục